Tôi có trên tay tập ký sự “Theo đường xuất bản, theo đường văn” của Nguyễn Duy Tờ, do Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành nhân dịp Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam (10/10/1952 - 10/10/2022) và nhân dịp Nhà xuất bản Thuận Hóa bước sang tuổi 42 (18/12/1981 - 18/12/2022). Đặc biệt hơn cả là nhận dịp tác giả 35 năm làm công tác xuất bản (12/1987), vui buồn theo con đường đã chọn cho đến ngày nay.

Để viết tập sách này, như trong lời nói đầu, tác giả tự nhận: “Đây là những bút ký trân trọng ghi lại hình ảnh, kỷ niệm, tài năng, tấm lòng của nhiều tác giả, dịch giả, nhà quản lý dành cho Nhà xuất bản Thuận Hóa trên hành trình ra mắt các ấn phẩm phục vụ phát triển văn hóa của quê hương, đất nước mà tôi vinh dự được biết. Tôi nghĩ, đây là một trách nhiệm, cần chép lại, kẻo nay mai có thể sẽ rơi vào quên lãng”. Đây là tâm huyết, sự chuyên nghiệp của một người yêu nghề, say nghề, có trách nhiệm với chính mình và với xã hội. Vì vậy, những ghi chép, hồi ức và tâm sự của tác giả đối với từng nhân vật trong tập ký sự này không đơn thuần là những kỷ niệm riêng tư mà với một ý nghĩa thực tiễn. Nó còn là những bài học kinh nghiệm, những tấm lòng, những tri ân của tác giả thay Nhà xuất bản Thuận Hóa để thông điệp đến mọi người về những vui buồn ân nghĩa quanh đời của một người chọn lựa “theo đường xuất bản, theo đường văn” một cách đam mê và thao thức.

Toàn tập sách, có 54 nhân vật/cá nhân và 4 đơn vị/tập thể được đề cập từ nhiều quan hệ, nhiều sự kiện với nội dung, tình cảm chung - riêng khác nhau, nhưng tất cả đều có liên quan đến công tác tổ chức bản thảo, in ấn và phát hành, đặc biệt là liên quan đến những bộ sách lớn, có quy mô mà Nhà xuất bản Thuận Hóa đảm trách và anh Nguyễn Duy Tờ là người có may mắn làm chiếc cầu giao tiếp, thực hiện. Vì vậy, những câu chuyện được ghi chép, kể lại rất chân thật và sinh động với diễn ngôn vừa mang tính thông tin cụ thể vừa mang tính thẩm mỹ uyển chuyển, hấp dẫn.

Nguyễn Duy Tờ đã lặng lẽ làm công việc của một người tiền trạm về tâm hồn và nghệ thuật để hình thành tập ký sự "Theo đường xuất bản, theo đường văn" với nội dung phong phú: quan hệ đa dạng, sự kiện đa tính chất, cảm xúc đa chiều, ngôn ngữ đa giọng điệu… đã mang lại cho người đọc cùng vui buồn, xúc động theo từng trang văn của tác giả. Qua đó, chúng ta mới biết thêm về sự khó khăn, nỗi nhọc nhằn của công tác xuất bản, không chỉ ngồi trong bốn bức tường khép kín mà phải bôn ba trong nắng gió và phức tạp của cơ chế thị trường để có những bản thảo và tác phẩm hay, có giá trị lớn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức và nhận thức ngày càng cao của công chúng độc giả.

Từ tháng 5/1996, Nguyễn Duy Tờ nhận nhiệm vụ Phụ trách Chi nhánh Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật tại Huế, sau chuyển sang Nhà xuất bản Thuận Hóa và làm Giám đốc cho đến nay. Biết bao công việc bộn bề, chồng chất, khó khăn, vướng mắc, nhọc nhằn trước những vấn đề phức tạp của công việc xuất bản: từ nội dung bản thảo, nhân thân tác giả đến kinh tế, nhân sự, phát hành…, nhưng anh đã từng bước giải quyết những khó khăn trên một cách nhân tình, khoa học, trách nhiệm và bản lĩnh để những bộ sách, những công trình lớn được ra mắt và xác lập vị thế của Nhà xuất bản Thuận Hóa trong hệ thống các nhà xuất bản lớn của cả nước. Tất cả hiện thực nói trên đã được Nguyễn Duy Tờ ghi chép cụ thể trong tập ký sự này bằng tấm lòng của người trong cuộc, chân tình và nhân ái, gắn với từng bối cảnh và sự việc, sự kiện cụ thể thông qua văn phong khoa học kết hợp với chất văn nghệ thuật nên dễ tạo ra sự đồng cảm trong tiếp nhận của các tầng lớp bạn đọc.

Dù là những trang ký giản lược đến tối đa, nhưng Nguyễn Duy Tờ biết giữ lại cốt lõi trung tâm và bối cảnh của câu chuyện. Những nét riêng, chi tiết về đời tư từng nhân vật được anh lồng vào sự kiện có liên quan đến xã hội, đến nhà xuất bản, đến lịch sử, văn hóa. Chúng ánh xạ vào nhau để làm nổi rõ cá tính, nhân cách, tình cảm của từng đối tượng. Qua đó, anh không quên gắn vào câu chuyện một vài cạnh khía nhân văn, tình đời, tình người; đôi khi pha chút hài hước, duyên dáng và thâm thúy. Ví như câu chuyện về nhạc sĩ Trần Hoàng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, GS. Vũ Khiêu, GS. Hà Minh Đức, GS. Nguyễn Tài Cẩn… Đọc tác phẩm sẽ thấy cái tâm và cái tình cũng như sự thao thức, trách nhiệm của tác giả đối với từng con người, từng sự việc.

Là người làm xuất bản, nhưng trước hết, Nguyễn Duy Tờ là người văn. Anh là tiến sĩ văn chương và là nhà thơ với nhiều chuyên luận và nhiều tác phẩm được ấn hành nên có ưu thế trong việc diễn ngôn và lập ý cho từng bài ký. Chọn tiêu đề cho tập sách "Theo đường xuất bản, theo đường văn" chính là xuất phát từ thực tế và ưu thế này của tác giả.

Khép lại tác phẩm, chúng tôi không bình luận gì thêm. Chỉ tiếc, nhiều tác giả có quan hệ với Nhà xuất bản Thuận Hóa không có mặt trong tác phẩm này. Và tiếc là anh không đi sâu ghi chép, bình luận vấn đề đến tận cùng để câu chuyện được đa thông tin và kết thúc trọn vẹn. Nhưng rồi, tôi nghĩ, “văn bất tận ngôn”. Người đọc có trách nhiệm bổ sung và làm đầy nghĩa. Hơn nữa, như tác giả tâm sự: “Tôi không viết chân dung tác giả, tác phẩm. Tôi chỉ ghi lại và trao gởi đôi điều cảm nhận về kỷ niệm của bản thân với những tác giả, cộng tác viên lâu năm của nhà xuất bản. Riêng những bạn văn trẻ đương thời, cho tôi được hẹn dịp tới”. Với tinh thần và tiêu chí như thế, “Theo đường xuất bản, theo đường văn” thực sự là món quà tinh thần mà Nguyễn Duy Tờ gửi đến độc giả nhân những ngày kỷ niệm đáng nhớ của ngành xuất bản và Nhà xuất bản Thuận Hóa.

Hồ Thế Hà