Nhân Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh có thư kêu gọi các tầng lớp nhân dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhà hảo tâm đóng góp ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo”. Trong thư khẳng định, những tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp đó vừa là động lực to lớn về mặt tinh thần, vừa tạo điều kiện giúp đỡ người nghèo vươn lên ổn định cuộc sống thông qua các hoạt động cụ thể, phù hợp và hiệu quả. Lễ phát động chính thức được tổ chức hôm nay (7/10).

Đói nghèo là vấn đề mang tính toàn cầu và mỗi quốc gia có những nỗ lực, cách làm khác nhau và hiệu quả cũng khác nhau. Với Việt Nam, xóa đói giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Rất nhiều chính sách, nguồn lực được triển khai thực hiện trong những năm qua và đạt hiệu quả thiết thực. Bên cạnh đó, với tinh thần “tương thân, tương ái” và truyền thống “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam, rất nhiều nguồn lực trong xã hội, từ các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể, hội nhóm, doanh nghiệp đến các nhà hảo tâm được huy động, sẻ chia đến người nghèo. Những nỗ lực và thành tựu trong xóa đói giảm nghèo của Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, trở thành điểm sáng trên thế giới.

Với Thừa Thiên Huế, đầu giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chiếm 8,36%. Chỉ sau hơn 5 năm, số hộ nghèo giảm hơn một nửa. Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, đến năm 2021, số hộ nghèo còn 10.871 hộ, chiếm tỷ lệ 3,45%. Hộ cận nghèo là 13.434 hộ, chiếm tỷ lệ 4,27%. Tại Nghị quyết số 11 ngày 3/11/2021 của Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đề ra mục tiêu: Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 2,0%- 2,2%.

Hiện nay, tỉnh đang triển khai kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2022-2025 với những tiêu chí cụ thể, đa chiều. Khi áp dụng chuẩn nghèo theo tiêu chuẩn đa chiều, có thể quy mô và số lượng hộ nghèo, cận nghèo tăng lên nhiều. Vì vậy áp lực, nguồn lực dành cho công tác giảm nghèo cũng sẽ tăng lên, và chắc chắn đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo cũng sẽ được nâng lên một bước. 

Thực ra, đói nghèo là điều không ai muốn. Con đường dẫn đến đói nghèo cũng muôn ngả. Có người do gặp hoạn nạn, ốm đau, già cả neo đơn không còn sức lao động. Có người do thiếu vốn, tư liệu sản xuất. Cũng có người do chưa biết tính toán, làm ăn thất bát… Chính vì vậy, việc giúp đỡ người nghèo cũng cần có những cách làm phù hợp, sát với từng hoàn cảnh. Thay vì trao “xâu cá” như trước đây, nay phương thức hỗ trợ chuyển dần và tập trung vào trao “cần câu” cho người nghèo. Trong đó, việc tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế, hướng dẫn cách làm ăn và truyền cho họ khát vọng, ý chí vươn lên là cách giúp người nghèo thoát nghèo bền vững.

Trong câu chuyện “trao cần câu” cũng cần sâu sát tìm hiểu cụ thể từng hoàn cảnh, nhu cầu, khả năng của người nghèo để trao đúng “cần câu” mới có thể phát huy được hiệu quả. Bởi nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, khả năng của mỗi người khác nhau nên cần có sự hỗ trợ khác nhau.

Không dừng ở việc trao đúng “cần câu”, trong quá trình đó cần tiếp tục hỗ trợ, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng để họ có thể “câu được cá”, biết cách bảo quản cá và chỉ cho họ cả chỗ bán cá, cách sử dụng tiền thu được như thế nào cho phù hợp… mới có thể giúp người nghèo thoát nghèo hiệu quả, bền vững, tránh nguy cơ tái nghèo.

Để làm tốt điều này, cần phát huy vai trò của chính quyền cơ sở, các tổ chức đoàn thể ở địa phương. Bởi họ gần dân, sát dân, hiểu điều kiện của từng hoàn cảnh cụ thể nên sẽ hỗ trợ đúng địa chỉ, đúng nhu cầu và hướng dẫn, đôn đốc, giám sát quá trình thoát nghèo một cách hiệu quả nhất.

Hoàng Minh