Thừa Thiên Huế từng trải qua nhiều danh xưng khác nhau. Ảnh: NGUYỄN PHONG
Với danh xưng phủ Thừa Thiên, vùng đất này còn là nơi đóng đô của triều Nguyễn vì thế có vị thế đặc biệt về chức năng, nhiệm vụ, quan hàm phụ trách và chế độ lương bổng.
Từ phủ Thừa Thiên
Phủ Thừa Thiên được vua Minh Mạng thay đổi cho danh xưng dinh Quảng Đức trước đó. Theo sử sách cũng như các nhà nghiên cứu, Thừa Thiên có hàm nghĩa “thừa mệnh trời” hay “chịu mệnh lớn trời giao” để đặt tên cho phủ đóng kinh đô, nơi thiên tử thay trời trị vì trăm họ.
Sau khi đổi danh xưng, vua giao cho một Viên kinh thành Đề đốc trông coi các việc quân dân, có một Phủ doãn và một Phủ thừa giúp việc. Trong phủ chia làm 2 ty với 33 viên. Phủ có các huyện được gọi là kinh, huyện và người đứng đầu là Kinh tri huyện. Đến năm 1832 cả nước có một phủ đó là phủ Thừa Thiên và 30 tỉnh được chia thành tỉnh lớn, tỉnh vừa và tỉnh nhỏ.
PGS.TS. Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết, phủ Thừa Thiên có 6 huyện với 31 tổng. Trong những năm 1853-1876, phủ Thừa Thiên kiêm nhiếp đạo Quảng Trị. Đây là thời kỳ phủ Thừa Thiên có địa bàn rộng nhất. “Tuy là cấp phủ nhưng là nơi đóng đô của triều Nguyễn nên có vị thế đặc biệt về chức năng, nhiệm vụ, quan hàm phụ trách và chế độ lương bổng”, ông Bang cho hay. Cũng theo ông Bang, trụ sở phủ Thừa Thiên nằm bên trong Kinh thành. Sau sự kiện thất thủ Kinh đô 1885, phủ chuyển về chùa Diệu Đế và đến năm 1899 lại chuyển qua bờ Nam sông Hương, vị trí UBND tỉnh hiện nay.
200 năm từ phủ Thừa Thiên nay là tỉnh Thừa Thiên Huế
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh cho biết, về nguyên tắc bổ nhiệm quan chức phủ Thừa Thiên, triều đình nhà Nguyễn hầu hết tuân thủ nguyên tắc hồi tỵ, có nghĩa không bổ người Thừa Thiên hoặc có vợ người Thừa Thiên làm quan chức phủ Thừa Thiên. Tuy nhiên có một số quan chức dòng hoàng phái đang cư trú ở Thừa Thiên được bổ dụng. Khả năng có điều này phải chăng vì chánh quán của họ vẫn ghi là Gia Miêu ngoại trang, huyện Tổng Sơn, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.
Ngoài ra, theo nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh, việc thưởng phạt quan chức phủ Thừa Thiên đều rõ ràng. Thường là trách phạt, còn thưởng chỉ là họa hoằn, cho thấy tính nghiêm khắc trong việc thưởng, phạt quan chức dưới triều Nguyễn.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến (Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế) cho rằng, sự cải đổi danh xưng từ Quảng Đức sang Thừa Thiên tất yếu dẫn đến tên gọi Thừa Thiên được lưu hành rộng rãi trong các giấy tờ, văn bản của nhà nước ở quốc nội ngay dưới thời vua Minh Mạng trị vì.
Vậy danh xưng Thừa Thiên có được các nước trên thế giới biết đến và sử dụng sớm nhất từ lúc nào? Theo ông Tiến, trong các ấn phẩm tại quốc ngoại, danh xưng Thừa Thiên được các nước trên thế giới biết đến và sử dụng muộn hơn tại Việt Nam khoảng chục năm, sau cuộc cải cách hành chính của vua Minh Mạng, năm 1831-1832. Các ấn phẩm ấy gồm tài liệu truyền giáo, công trình khảo cứu địa lý và sách từ điển/tự vị.
Đến Thừa Thiên Huế
Danh xưng phủ Thừa Thiên kéo dài đến tháng 8/1945 thì được đổi thành tỉnh Nguyễn Tri Phương - tên người anh hùng đánh Pháp quê ở xã Phong Chương, huyện Phong Điền.
Nhà nghiên cứu Dương Phước Thu cho hay, mang tên tỉnh Nguyễn Tri Phương chỉ được hơn một tháng đến ngày 9/10/1945 lại được đổi tên thành tỉnh Thừa Thiên. Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ I năm 1949, trên nhiều văn bản của cách mạng không thống nhất về cách gọi để chỉ đơn vị Huế. Về Đảng là Thị ủy Thuận Hóa, về chính quyền là Ủy ban kháng chiến thành phố Thuận Hóa (có tài liệu ghi là TP. Huế). Về cấp tỉnh thì danh xưng được ghi Thừa Thiên - Thuận Hóa.
Kể từ tháng 12/1954, trên nhiều công văn, đặc biệt là măng sét của báo Đảng bộ tỉnh xuất hiện danh xưng Thừa Thiên Huế. Sau ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris được ký kết, Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Thừa Thiên Huế được thành lập. Danh xưng Thừa Thiên Huế tồn tại đến ngày 30/4/1976 trước khi UBND tỉnh Bình Trị Thiên ra mắt. Đến năm 1989, ba tỉnh được tách ra, danh xưng Thừa Thiên Huế được lấy lại để đặt tên cho tỉnh, chính thức từ ngày 1/7/1989.
“Tóm lại danh xưng Thừa Thiên có từ năm 1822 dưới triều Minh Mạng. Danh xưng Thừa Thiên – Thuận Hóa có từ năm 1949. Danh xưng Thừa Thiên Huế có từ tháng 12/1954 cho đến ngày nay”, nhà nghiên cứu Dương Phước Thu khẳng định.
Cũng theo lý giải của ông Thu, dù danh xưng Thừa Thiên Huế nhưng rất nhiều người ở các huyện lân cận TP. Huế, kể cả những người quê ở Phong Điền hay Phú Lộc khá xa trung tâm tỉnh lỵ vẫn thường nói tắt theo thói quen một cách tự hào “mình là người Huế”. Huế là danh xưng bao trùm và đại diện cho cả tỉnh Thừa Thiên, dinh Quảng Đức xưa.
Bài, ảnh: NHẬT MINH