Nghệ nhân ưu tú Tôn Nữ Thị Hà (Tịnh Gia Viên) là cái tên mới nhất đến từ Thừa Thiên Huế vinh dự có mặt trong danh sách 64 cá nhân lần thứ 3 vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân do đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Được sách Guinness Việt Nam công nhận là “Người làm nhiều nghề nhất”, bà Tôn Nữ Thị Hà đã làm 16 nghề khác nhau. Thế nhưng, nấu ăn vẫn là nghề được xem là thành công nhất của bà. Chủ nhân nhà hàng Tịnh Gia Viên nổi tiếng là truyền nhân duy nhất của ẩm thực cung đình Huế. Với sự cố gắng giữ gìn và quảng bá nền ẩm thực Cố đô đến nhiều nơi trên thế giới, bà được vinh danh là nghệ nhân ẩm thực hàng đầu Việt Nam tại lễ tôn vinh các Danh hiệu Du lịch năm 2017 diễn ra trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Hà Nội VITM.

Nghệ nhân thực chất cũng có thể coi là nghệ sĩ. Theo gốc tiếng Hán “nhân” có nghĩa là người. Thế nhưng, người Việt Nam không dùng từ này để chỉ người làm nghệ thuật nói chung như từ nghệ sĩ, mà chủ yếu dành cho người làm nghề thủ công mỹ nghệ và một số hình thái nghệ thuật biểu diễn truyền thống. Và, cũng khác với các nghệ sĩ, nghệ nhân không học ở trường lớp nào cả, mà phần lớn là được truyền dạy.

Tôi tâm đắc với nhà thơ Võ Quê khi ông viết, rằng lời ca nhắc nhở của một thời xa xưa “Đàn bầu ai gảy nấy nghe, làm thân con gái chớ mê đàn bầu”… đã không có sức thuyết phục và người con gái ở làng quê Thanh Phước (Hương Phong - Hương Trà, nay thuộc TP. Huế) là Nguyễn Thị Hương (Thanh Hương), được phong tặng Nghệ nhân nhân dân năm 2019, đã đến với ca Huế bằng sự “vượt rào”. Người dìu dắt bà những bước đi ban đầu là người cha, vốn là một người chơi đàn bầu đến mức tuyệt kỹ. Sau đó, bà tự đi tìm thầy học theo lối truyền khẩu bộ môn ca Huế. Bằng tài năng và khả năng vượt khó, nghệ nhân đã thành công và trở thành nghệ nhân ca Huế nổi tiếng của xứ Thần kinh.

Ngày 25/6/2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 62/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Qua 3 lần phong tặng, Thừa Thiên Huế tự hào là vùng đất có nhiều nghệ nhân nhân dân. Chỉ tính riêng trong lần thứ 2 (năm 2019), cùng với nghệ nhân Nguyễn Thị Hương (Thanh Hương), Thừa Thiên Huế còn có 3 người nữa là Hoàng Thị Như Huy, Quách Cà (Thích Tuệ Tâm), Cu Xân (Quỳnh Hoàng) được công nhận nghệ nhân nhân dân.

Trong một lần gặp gỡ báo chí ở khu vườn nhà An Chi Viên danh giá, Nghệ nhân Hoàng Thị Như Huy chia sẻ: “Mình bây giờ cũng dần bước sang tuổi cổ lai hy rồi, già rồi, như quả mướp, quả bầu, chỉ biết lớn xuống. Cô không còn trẻ để mỗi ngày đều tìm tòi, sáng tạo, vươn lên như ngày xưa nữa”. Đó là băn khoăn có thật và một trong những công việc của bà là đặt trọn tâm huyết, trí lực và bút lực để chấp bút và biên tập cuốn sách “ siêu to” mang tên “Tình ẩm thực”, dày 1.000 trang với hy vọng  góp thêm chút sức gìn giữ tinh hoa ẩm thực dân tộc, đồng thời tiếp sức cho các thế hệ đầu bếp trẻ.

Danh hiệu Nghệ nhân nhân dân là một hình thức tôn vinh xứng đáng. Đằng sau danh hiệu đó, thiết nghĩ cần khuyến khích những công việc mà nghệ nhân Hoàng Thị Như Huy đang làm. Họ là “báu vật sống”, là tinh hoa văn hóa. Những đóng góp của họ cần được gìn giữ và phát huy như một cách làm giàu những giá trị và bản sắc văn hóa của vùng đất.

ĐAN DUY