Thương mại nội khối CPTPP đã tăng hơn 4% lên 467 tỷ USD trong năm đầu tiên gia nhập hiệp định. Ảnh: Baodautu
Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) cho biết: “Việc Malaysia tham gia CPTPP sẽ làm sâu sắc hơn nữa hội nhập kinh tế, thúc đẩy phạm vi kinh tế của hiệp định và nâng cao lợi ích chung mà các bên gặt hái được từ CPTPP”.
CPTPP là sự kế thừa của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiệp định đã kéo 12 quốc gia quanh vành đai Thái Bình Dương lại với nhau để cùng đưa ra một bộ quy tắc thương mại đầy tham vọng.
Tuy nhiên, vào tháng 1/2017, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi hiệp định mặc dù nó đã được ký kết. 11 quốc gia còn lại quyết định tiếp tục với tên gọi mới là CPTPP.
Anh có thể tham gia CPTPP trong năm nay
Trong một thông tin mới nhất, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Daishiro Yamagiwa cho biết các thành viên của Hiệp định có thể nhất trí về nguyên tắc cho phép Anh gia nhập với tư cách là thành viên mới trong năm nay, sử dụng trường hợp của quốc gia châu Âu này làm hình mẫu cho những nước khác trong tương lai.
Phát biểu sau cuộc họp các bộ trưởng và quan chức cấp cao đại diện cho 11 quốc gia thành viên CPTPP tại Singapore - Chủ tịch Ủy ban CPTPP năm 2022, Bộ trưởng Yamagiwa tin rằng dựa trên quan điểm của một số thành viên, có thể sẽ có một thỏa thuận cơ bản “trong năm nay”.
Theo ông Yamagiwa, quá trình Anh gia nhập hiệp ước CPTPP “sẽ là một tiền lệ tốt” trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn cao về các quy tắc thương mại và tính minh bạch.
Nước này đã nộp đơn xin gia nhập vào tháng 2 năm ngoái, và vài tháng sau, Ủy ban CPTPP đã đồng ý chính thức bắt đầu đàm phán với Anh.
Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh lúc đó là bà Liz Truss cầm văn kiện xin gia nhập CPTPP ngày 30/1/2021. Ảnh: Vietnam+
Vào tháng 9 năm ngoái, Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã nộp đơn đăng ký tham gia hiệp định, trong một nỗ lực để tăng cường ảnh hưởng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Vài ngày sau khi Trung Quốc nộp đơn xin gia nhập CPTPP, Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã có động thái tương tự.
Sau cuộc họp ở Singapore nói trên, các thành viên của CPTPP đã đưa ra một tuyên bố cấp bộ trưởng đề cập đến những tiến bộ đã đạt được trong các lĩnh vực như thương mại điện tử và nhằm thúc đẩy thương mại kỹ thuật số. Đồng thời, các thành viên CPTPP đều quan tâm đến việc theo đuổi nền kinh tế “xanh” và kỹ thuật số.
Được biết, để tham gia hiệp định, cần có sự chấp thuận của tất cả 11 thành viên, bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Sau khi Malaysia trở thành quốc gia mới nhất phê chuẩn CPTPP, hiện chỉ còn Brunei và Chile chưa phê chuẩn.
Tác động của CPTPP
Trong năm thứ tư kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Gan Kim Yong cho biết nhiều tổ chức nghiên cứu đã đánh giá tác động của CPTPP đối với dòng chảy thương mại và đầu tư trong khu vực. Các phát hiện ban đầu cho thấy thương mại nội khối CPTPP đã tăng hơn 4% lên 467 tỷ USD trong năm đầu tiên gia nhập CPTPP, so với mức trung bình 448 tỷ USD của giai đoạn 2010-2018.
Thương mại dịch vụ kỹ thuật số trong CPTPP tăng 46% lên 51,9 tỷ USD vào năm 2019, so với mức trung bình 35,5 tỷ USD của giai đoạn 2010-2018.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng tăng 10% từ 267 tỷ USD năm 2018 lên 294 tỷ USD năm 2019.
Bộ trưởng Gan cho rằng những tăng trưởng từ Hiệp định đã mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), cũng như có tác động tích cực đến việc làm cho phụ nữ và người dân bản địa, và các hoạt động R&D xuyên biên giới giữa các bên trong CPTPP rất phong phú và có tính liên kết với nhau.
Hỗ trợ phục hồi kinh tế toàn cầu
Cũng theo Bộ trưởng Gan, các thành viên CPTPP sẽ tiếp tục khám phá các lĩnh vực hợp tác mới và đang nổi lên trong nền kinh tế kỹ thuật số và nền kinh tế xanh.
Trong tuyên bố chung của mình, Ủy ban CPTPP cũng tái khẳng định cam kết khám phá “những cách thức cụ thể để thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho các dòng chảy thương mại và đầu tư”, hỗ trợ cho sự phục hồi kinh tế thế giới, trong bối cảnh cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều đồng loạt dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ suy giảm.
Các quốc gia thành viên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ gìn an ninh kinh tế và hợp tác để chống lại chủ nghĩa bảo hộ và các biện pháp hạn chế thương mại phi lý.
“Chúng tôi tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của mình trong việc duy trì và hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương dựa trên các quy tắc, lấy Tổ chức Thương mại Thế giới làm cốt lõi… Chúng tôi cũng kiên quyết tiếp tục cam kết thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa và dịch vụ thiết yếu theo cách phù hợp và ủng hộ các quy tắc thương mại quốc tế”, tuyên bố chung của các nước thành viên CPTPP nhấn mạnh.
Được biết, cuộc họp tiếp theo của Ủy ban CPTPP sẽ do New Zealand tổ chức vào năm 2023.
TỐ QUYÊN (Lược dịch từ CNA & Kyodo News)