Khách tham quan Trường Quốc học, ngôi trường Bác đã từng học

Xu hướng du lịch bảo tàng

TS. Trần Thị Mai, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị tỉnh đánh giá, du lịch bảo tàng là loại hình phổ biến tại nhiều nước trên thế giới và nước ta. Bảo tàng là nơi phục vụ công chúng hưởng thụ, tìm hiểu, nghiên cứu các giá trị văn hóa, và cũng là điểm tham quan, trải nghiệm của du khách; là điểm đến hấp dẫn, có đóng góp tích cực vào sự phát triển du lịch, kinh tế, xã hội và quảng bá hình ảnh của địa phương, quốc gia. Vì vậy, nhu cầu tham quan, trải nghiệm các giá trị di sản văn hóa tại bảo tàng ngày càng tăng và có nhiều thay đổi về cách thức tiếp cận và khám phá.

Điểm mạnh của Bảo tàng Hồ Chí Minh là rất đa dạng hiện vật và hệ thống tư liệu phong phú, được sưu tầm và giữ gìn tốt. Cùng với đó là hệ thống các di tích được xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt, di tích cấp tỉnh. Vị trí các điểm dễ tiếp cận, liền kề với các di tích lịch sử, văn hóa, gần sông Hương, công viên, tuyến đường đi bộ và dễ kết nối với các điểm du lịch nổi tiếng. Không gian bảo tàng và các điểm di tích rộng rãi, kiến trúc khá độc đáo, cảnh quan xung quanh xanh và đẹp, thuận lợi cho việc tổ chức nhiều loại hoạt động ngoài trời… Vì vậy, khi đưa ra ý tưởng phát triển tour “Theo chân Bác Hồ thời niên thiếu ở Huế” là rất khả thi.

Bà Trần Thị Mai thông tin, bà vừa tham gia tour tìm hiểu về cuộc đời của Bác tại Lào và Trung Quốc. Khi sang các nước trên, hệ thống di tích được bảo vệ, nâng cấp và thu hút được rất nhiều khách. Do đó, nếu khai thác, kết nối tốt, không chỉ có đối tượng khách trong nước mà cả nước ngoài cũng đến tham quan, tìm hiểu về thời niên thiếu của Bác, giai đoạn quan trọng hình thành nhân cách của Người. Từ những xu hướng và nhu cầu mới, càng khẳng định tour du lịch “Theo chân Bác Hồ thời niên thiếu ở Huế” càng dễ trở thành sản phẩm mới, làm đa dạng thêm sản phẩm văn hóa di sản của Huế.

Du khách tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh

Phía những người trong cuộc cũng nhìn nhận, hiện bảo tàng và hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa có đầy đủ các yếu tố của một điểm thu hút và phục vụ khách du lịch. Cách thức trưng bày, diễn giải tuy có nhiều đổi mới nhưng chưa đa dạng, chưa thực sự phù hợp với thị hiếu của lớp trẻ và khách quốc tế về các hoạt động trải nghiệm, tương tác; ngôn ngữ diễn giải còn hạn chế, các “câu chuyện” gắn với các di tích chưa được biên tập có tính hệ thống và tuyên truyền rộng rãi. Thiếu các thiết bị phục vụ hoạt động trải nghiệm. Sự kết nối thông tin với các bảo tàng và các khu di tích Hồ Chí Minh trong và ngoài nước còn khiêm tốn. Ngoài ra, phải kể đến tính cạnh tranh cao giữa các điểm du lịch của Huế và giữa các bảo tàng, di tích, khiến các điểm đến này chỉ là sự lựa chọn thứ cấp.

Hoàn thiện dịch vụ

Theo các chuyên gia, khi đã đánh giá trên phương diện một sản phẩm thì cần có sự hoàn chỉnh từng dịch vụ. Nhận diện đúng thị trường khách để có cách thức thu hút khách phù hợp. Hiện thị trường khách chính của bảo tàng, di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ yếu là học sinh các trường của địa phương và các tỉnh lân cận; sinh viên và các nhà nghiên cứu liên quan. Vì vậy, đầu tiên cần có sự phối hợp để tiến hành khảo sát đánh giá nhu cầu, xác định rõ khách quan tâm đến nội dung gì? Khi nào đi? Thời gian bao lâu? Tiếp cận thông tin theo cách nào… để đáp ứng nhu cầu đó.

Bà Hồ Thị Thúy Nga, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Huế cho rằng, “Theo chân Bác Hồ thời niên thiếu ở Huế” là tour cảm xúc và đặc biệt nói về vị lãnh tụ dân tộc nên phải chú trọng tạo ấn tượng với khách bằng những bài nói hay, có hồn và tạo được sự kính trọng của mọi người; hình ảnh Bác thời thơ ấu cơ cực cùng gia đình trong bối cảnh đất nước bi thương, ai oán tột cùng với nỗi thống khổ mà người dân nô lệ sống trong đất nước mình phải chịu đựng, sống trên quê hương mình nhưng không có tự do và hoàn toàn bị đô hộ bởi thực dân Pháp xâm lược; cách Bác sống giản dị và thương người, quang minh chính trực, đặc biệt trong xử lý công việc và lãnh đạo, quản lý con người trong tổ chức…

Từ đó, bà Nga góp ý, cần chú trọng thông điệp đưa ra sau khi tham quan tour. Hơn nữa, tour còn giúp khơi gợi lòng yêu nước một cách thực tế đặc biệt đối với lớp trẻ và thanh, thiếu niên trong thời bình có quá nhiều sự ưu ái, thuận lợi về vật chất lẫn tinh thần. Với yếu tố này, có thể xem lại cách đặt tên tour tùy theo mùa và bối cảnh để tạo sự chú ý của du khách kèm với các sản phẩm là chương trình tour hợp lý, hợp thời điểm và hợp đối tượng. Có thể đặt tên tour theo “Theo chân Bác”, “Ngược dòng lịch sử” “Cùng thăm di tích Bác Hồ tại Huế”, “Bác Hồ trong trái tim người Huế”, “Theo dấu chân Người”.

Một số doanh nghiệp góp ý, để phát triển tour du lịch gắn với việc khai thác, phát huy giá trị hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian đến, cần tiếp tục nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, bổ sung, hoàn thiện điểm đến; ứng dụng công nghệ số, đổi mới nội dung thuyết minh, tìm kiếm tư liệu để tăng tính hấp dẫn của trưng bày; tăng tương tác, trải nghiệm của du khách; mở rộng các loại ngôn ngữ phù hợp với thị trường khách mục tiêu; đẩy mạnh xúc tiến quảng bá thu hút khách…

Một giải pháp mới  được ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch cho biết, là trung tâm đang phối hợp Ban quản lý dự án GiZ, Công ty Vietsoftpro và TP. Huế khảo sát để xây dựng một số tuyến xe đạp đi qua những cung đường đẹp có các điểm du lịch, điểm “check-in”; trong đó, có các điểm di tích, công trình lưu niệm gắn với thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở TP. Huế từ các trạm xe đạp chia sẻ cộng đồng.

Bài, ảnh: Quang Sang