Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: TTXVN

Quy định 67 là một chủ trương lớn nhưng từ đầu đã có cách hiểu, thực hiện khác nhau trong thành lập ban chỉ đạo ở địa phương. Tỉnh Ninh Bình đưa Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy vừa mới bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật cảnh cáo tháng 3/2022 làm phó ban; Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương bị Trung ương kết luận vi phạm nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật làm trưởng ban. Không lâu sau bị Bộ Chính trị quyết định đình chỉ công tác, Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam vì có sai phạm nghiêm trọng liên quan đến vụ án Công ty Việt Á.

Nhìn lại công tác phòng, chống tham nhũng ở cơ sở trong những năm qua đã đạt được nhiều hiệu quả, nhưng đánh giá lại nói chung còn chưa đều, chưa quyết liệt, kiểm tra, tự kiểm tra còn buông lỏng. Tình trạng “dĩ hòa vi quý”, “nhìn mặt”, “không muốn động chạm”, nể nang, né tránh còn nhiều tồn tại cần tháo gỡ. Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, thiếu quyết liệt, thậm chí khi có đôn đốc hoặc cấp trên trực tiếp kiểm tra địa phương mới vào cuộc.

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ địa phương, Ban tổ chức Trung ương nhận xét: “Các vụ việc ở cấp trên làm nhanh hơn, trong khi địa phương tiến độ chậm, thiếu quyết liệt. Trung ương thì sôi sục, trong khi xuống dưới càng lững thững, chưa thấy vội vã”. Có nhiều vụ việc có làm nhưng cảm giác chưa thành phong trào quyết liệt.

Tham nhũng hay chống tham nhũng là đều từ con người. Dù ở cấp nào, chống tham nhũng có đạt hiệu quả hay không thì con người là yếu tố quyết định. Ở địa phương có nhiều người trong ban chỉ đạo sinh sống, làm việc ở cùng cơ quan, ở trong huyện, xã, có khi còn ở gần nhau trong tổ dân phố. Nhiều địa phương còn có những dòng họ lớn, nhiều bà con, anh em xa gần và những mối quan hệ chằng chịt khác. Các mối quan hệ xã hội từ bạn học, bạn đời, chung sở thích… hàng ngày gặp nhau trong sinh hoạt, làm việc. Đó là chưa kể nhiều người từng làm việc với nhau trở thành “thâm tình”, “kết nghĩa”, “chiến hữu”. Từ đó cho thấy, các thành viên ban chỉ đạo không tránh khỏi bị tác động bởi những mối quan hệ, tình cảm và sự gắn bó đời sống, sinh hoạt thường ngày.

Tuy nhiên, quan trọng và có tính quyết định nhất là người đứng đầu (bí thư tỉnh ủy, trưởng ban chỉ đạo). Chống tham nhũng có hiệu quả hay không trước hết phụ thuộc rất lớn vào người ở vị trí này - Người có quyết định lớn nhất ở địa phương.

Thuận lợi nhất là phần lớn hiện nay bí thư tỉnh ủy không phải người địa phương nên không ảnh hưởng bởi các mối quan hệ gia đình, “thân hữu”, không bị ràng buộc riêng tư trong chỉ đạo, xử lý sai phạm. Tuy nhiên, do là người đứng đầu ở địa phương nên cũng khó tránh khỏi những tác động nhiều chiều. Nếu không giữ được bản lĩnh vững vàng, tâm không trong sáng dễ bị những tác động về tình cảm cá nhân, nhu cầu sở thích thì dễ sa ngã. Cựu Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng ở Hải Dương vừa qua là một ví dụ. Bản thân không những mất công danh sự nghiệp, vào vòng lao lý mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng.

Muốn chống tham nhũng đạt được yêu cầu thì bộ máy lãnh đạo chống tham nhũng phải là cán bộ làm việc thực chất. Theo quy định 67 về cơ cấu, thành phần các chức danh ở địa phương là hướng dẫn chung cho cả nước, nhưng không vì cơ cấu mà bỏ qua tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực cán bộ. Cấp trưởng của cơ quan, tổ chức theo đúng chức năng là cần thiết, nhưng phải căn cứ cán bộ ở địa phương để đưa cấp trưởng hay phó cho phù hợp, tránh rập khuôn cơ cấu.

Một trong những biện pháp mạnh mẽ được Đảng ta nêu ra là kiên quyết đấu tranh ngay trong cơ quan phòng, chống tham nhũng. Đưa “lò” về cơ sở, tạo bước chuyển biến mới nhưng cũng gặp không ít khó khăn, trở ngại. Cái gì mới làm đều rất khó, chống tham nhũng càng khó hơn khi chủ thể tham nhũng và chống tham nhũng đều là người có chức, quyền. Mở rộng chống tham nhũng xuống cơ sở vừa là giải pháp, vừa thử nghiệm tốt nhất xóa bỏ tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” tồn tại lâu nay.

NGUYỄN AN HÒA