Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh truyền thông về sức khỏe sinh sản vị thành niên cho học sinh khối THPT
“Cho ông một đứa cháu trai”
Vợ chồng chị Lan (kế toán) và anh Vinh (cán bộ quân đội) có 2 cô con gái, đều khỏe mạnh, ngoan ngoãn và sáng dạ. Vậy nhưng, kể từ thời điểm biết chị Lan mang thai đứa con thứ 2 cũng là gái, vợ chồng anh chị đã phải ôm nặng nỗi lòng “trọn chữ hiếu với tổ tiên” khi người lớn trong nhà liên tục bóng gió “sinh tiếp cho đến khi có thằng cu”. Và cũng vì sự trông ngóng đứa cháu trai quá lớn, nên mỗi lần 2 cô cháu gái về thăm ông bà, ba của anh Vinh không ngần ngại mà bày tỏ: “Rồi công chúa của ông cũng lớn và theo chồng mất thôi. Con hãy nói ba mẹ cho ông một đứa em trai để ở với ông lâu hơn nhé!”. Cuối cùng, không vượt qua được áp lực của gia đình và của chính bản thân mình, anh Vinh chấp nhận bị kỷ luật ở đơn vị để sinh con thứ ba, tìm cơ hội có con trai.
Trong cuộc sống, có rất nhiều gia đình như vợ chồng anh chị Lan – Vinh. Mỗi gia đình một hoàn cảnh, không ai giống ai nhưng cùng chung một niềm mong là có được “người mang họ cha, lo việc thờ cúng tổ tiên”. Cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, nhiều cặp vợ chồng bất chấp sức khỏe của người phụ nữ để đồng ý thực hiện những giải pháp mang thai không thuận tự nhiên.
Hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng đáng báo động của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, nhưng theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân trực tiếp chính là do sự lạm dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện lựa chọn giới tính trước sinh và áp dụng một số kỹ thuật sau khi đã có thai (sử dụng siêu âm, bắt mạch, chọc hút dịch ối,…) để chẩn đoán giới tính thai nhi, kết hợp với phá thai chọn lọc giới tính (nếu là thai trai thì để lại, nếu là thai gái thì bỏ đi). Điều đó cho thấy, nhu cầu và mong muốn con trai của các cặp vợ chồng dù lớn đến đâu cũng chỉ có thể thực hiện được với sự trợ giúp của cán bộ y tế. Góc độ nào đó cho thấy một vấn đề mâu thuẫn mà ngành y tế nói chung đang phải đối diện, đó là một bộ phận thì “tiếp tay” cho tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, một bộ phận khác lại phải thực hiện nhiệm vụ tăng cường truyền thông nhằm nổ lực giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Nâng cao vị thế của trẻ em gái
Nhằm nâng cao vị thế của trẻ em gái, năm 2011, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã chọn ngày 11/10 hàng năm làm Ngày Quốc tế trẻ em gái. Mục đích của ngày này là tạo cơ hội nhiều hơn cho trẻ em gái và nâng cao nhận thức về bình đẳng giới bao gồm các lĩnh vực như giáo dục, dinh dưỡng, y tế, bảo vệ khỏi sự kỳ thị, bạo lực và không còn nạn tảo hôn.
Tại Thừa Thiên Huế, số liệu từ đầu năm 2022 đến nay cho thấy, tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh là 108,3 bé trai/100 bé gái. Nỗ lực kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh phối hợp với các địa phương duy trì 141 câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ 3 trở lên tại cơ sở. Đồng thời, phối hợp với các ngành và các đoàn thể đưa nội dung tuyên truyền về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh vào kế hoạch hoạt động trong năm của các đơn vị…
Hưởng ứng Ngày Quốc tế trẻ em gái, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền về cơ sở các chủ trương, chính sách, luật pháp của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, bình đẳng giới và công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên... Đồng thời, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã tăng cường hoạt động sinh hoạt CLB “Phụ nữ sinh con một bề không sinh con thứ 3 trở lên” và truyền thông giảm thiểu tảo hôn tại các địa phương.
Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN