Các sân bay Nhật Bản dự kiến sẽ đông đúc trở lại khi các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ từ ngày 11/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngoài việc dỡ bỏ giới hạn nhập cảnh 50.000 người/ngày như trước đó và chấm dứt yêu cầu du khách phải đi theo tour trọn gói thông qua các công ty du lịch, Nhật Bản cũng không còn yêu cầu du khách phải có thị thực nếu họ là công dân của quốc gia mà nước này đã có thỏa thuận miễn trừ trước đại dịch.

Bên cạnh việc mở cửa cho khách nước ngoài, ở trong nước, chính phủ Nhật Bản cũng triển khai chương trình Giảm giá Du lịch Quốc gia, với khoản trợ giá lên tới 11.000 yên (76 USD) mỗi ngày trong tối đa 7 ngày cho mỗi du khách. Chương trình này chỉ dành cho những người đang cư trú tại Nhật Bản, đã bắt đầu tại tất cả 47 tỉnh của nước này ngoại trừ Tokyo - nơi sẽ tham gia chương trình từ ngày 20/10 tới.

Theo nhận định của ngành du lịch, giải trí và các ngành công nghiệp khác của Nhật Bản và nước ngoài, các biện pháp kiểm soát biên giới của nước này được cho là quá nghiêm ngặt và kéo dài. Về vấn đề này, Thủ tướng Fumio Kishida tuyên bố sẽ đưa các thủ tục nhập cảnh của Nhật Bản phù hợp với các nước khác trong Nhóm G7.

Các thủ tục hiện đã được đơn giản hóa, với việc Nhật Bản loại bỏ phân loại các quốc gia và khu vực theo nguy cơ COVID-19 và cho phép mọi người không cần xét nghiệm COVID và cách ly khi nhập cảnh, miễn là họ cung cấp bằng chứng đã tiêm chủng ít nhất 3 mũi vaccine COVID-19 hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành.

Không thiếu nhu cầu

Ngay trong buổi sáng vừa dỡ bỏ các hạn chế hôm nay, khách du lịch từ Israel, Pháp và Anh đã đổ về nước này.

Bà Adi Bromshtine, một du khách 69 tuổi từ Israel vừa đáp xuống sân bay Haneda ở Tokyo cho biết: “Đây là một giấc mơ dài và nó đã trở thành hiện thực… Chúng tôi đã lên kế hoạch đến Nhật Bản từ trước COVID-19, rồi chỉ biết chờ đợi và chờ đợi”.

Bên cạnh lực đẩy từ nhu cầu du lịch bị kìm nén trong thời gian dài vừa qua, một yếu tố được cho là sẽ thúc đẩy dòng khách du lịch đến với Nhật Bản chính là sự suy yếu của đồng yên, hiện đang dao động quanh mức 145 yên/USD, mức thấp chưa từng thấy trong 2 thập kỷ qua.

Nhiều du khách đã phải chờ đợi rất lâu để có thể đến Nhật Bản. Ảnh: Reuters/Laodong

Theo các đại lý du lịch, chắc chắn nhu cầu là không thiếu.

Antoine Chanthavong, đại diện công ty du lịch Destination Japan có trụ sở tại Paris, cho biết kể từ khi có thông báo về kế hoạch mở cửa trở lại hồi tháng 9, “chúng tôi đã hoàn toàn kiệt sức, chúng tôi không có đủ thời gian để giải quyết tất cả các yêu cầu của khách hàng”.

Tuy nhiên, ít nhất là ở thời điểm hiện tại, giá vé không hề rẻ, do giá nhiên liệu tăng cao và các hãng hàng không buộc phải thực hiện các đường bay vòng để tránh không phận Nga.

Do vậy, dù nhu cầu cao nhưng không có nhiều hi vọng rằng lượng khách du lịch sẽ sớm đạt được mức như trước đại dịch.

Vào năm 2019, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, Nhật Bản đã đón lượng khách kỷ lục 31,9 triệu người, với hơn 2 triệu du khách đến đây mỗi tháng, nhưng con số này đã giảm mạnh xuống chỉ còn 250.000 khách trong cả năm 2021. Theo Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản, số khách du lịch ước tính trong tháng 8 năm nay là 169.800 người.

Thực tế từ vài tháng trước, Nhật Bản đã từ từ nới lỏng các hạn chế khi mở cửa một cách thận trọng, nâng mức giới hạn nhập cảnh hàng ngày từ 10.000 người lên 20.000 người hồi tháng 6, và sau đó tiếp tục nâng lên 50.000 người/ngày vào tháng 9.

Theo Kyodo News, chiến dịch du lịch nội địa mới nhắm vào người dân Nhật Bản đã được đưa ra để giúp các vùng kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào du lịch của nước này. Chương trình được chính phủ trung ương trợ cấp nhưng chính quyền các tỉnh đang thực hiện chiến dịch cũng có thể đóng góp bằng trợ cấp của chính quyền sở tại.

Chính quyền trung ương Nhật Bản nói rằng chương trình sẽ được loại bỏ một số vùng nếu tình trạng lây nhiễm COVID-19 lan rộng và tình trạng khẩn cấp hoặc gần như khẩn cấp được ban bố trong các khu vực.

Ông Keiichiro Kobayashi, Giáo sư kinh tế tại Đại học Keio ở Tokyo, cho biết: “Đại dịch COVID-19 đã giáng một đòn mạnh vào ngành du lịch Nhật Bản và chương trình trợ cấp du lịch sẽ có ý nghĩa quan trọng” trong việc hồi sinh ngành công nghiệp không khói này. Giáo sư Kobayashi cũng cho rằng trừ khi một biến thể mới, có độc lực cao của virus SARS-CoV-2 xuất hiện, không cần phải dừng các hoạt động kinh tế và chính quyền các tỉnh sẽ tự đưa ra quyết định dựa trên tình trạng của hệ thống y tế địa phương.

Năm 2020, Nhật Bản đã giới thiệu chương trình trợ cấp “Go To Travel” tương tự như chương trình mới đang được triển khai hiện nay, nhưng chương trình đó đã vấp phải sự chỉ trích là quá chậm chạp trong việc kết thúc khi nó dường như góp phần vào việc làm lan rộng virus SARS-CoV-2.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Kyodo News & AFP)