Thi công công trình nhà ở trên địa bàn TP. Huế

Bước vào mùa mưa bão, mỗi gia đình cần phải kiểm tra tình trạng căn nhà của mình với các hạng mục mái, tường bao, hệ thống thoát nước và các hạng mục khác để kịp thời có phương án sửa chữa, gia cố để mỗi gia đình hoàn toàn có thể yên tâm trong ngôi nhà được bảo vệ vững vàng trước mọi thách thức của thời tiết.

Ông Nguyễn Văn Tý, chủ thầu xây dựng ở xã Phú Mậu (TP. Huế) cho biết, với đặc thù mưa dầm và thường xuyên có bão, gió lốc như ở Huế, trước mùa mưa lụt, việc gia cố, sửa chữa các hư hỏng nhà cửa, thường được các gia chủ tiến hành thường xuyên. Đối với các hư hỏng nhỏ có thể tự sửa chữa, nhưng đối với việc sửa chữa lớn, ảnh hưởng kết cấu độ bền của căn nhà, thường sẽ thuê thợ chuyên nghiệp để thực hiện. Việc kiểm tra, lên phương án sửa chữa sớm không chỉ đảm bảo an toàn mà còn giảm tránh thiệt hại khi thời tiết vào mùa.

Theo ý kiến tư vấn của các chuyên viên tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật thuộc Công ty CP Xi măng Đồng Lâm, thông thường mỗi ngôi nhà sẽ có các vị trí quan trọng cần ưu tiên được đảm bảo an toàn, chắc chắn trong mùa mưa bão để không xảy ra các sự cố, bao gồm mái nhà, hệ thống thoát nước, cửa sổ, vách tường…

Vào mùa mưa, mái nhà, sàn mái, sân thượng là phần bị ảnh hưởng trực tiếp và nhiều nhất. Mái nhà bị dột, thấm sẽ khiến cho nước mưa vào nhà gây bất tiện trong sinh hoạt cũng như làm hỏng các vật dụng trong nhà. Việc kiểm tra, sửa sang mái nhà, chống thấm sàn mái sân thượng trước khi mùa mưa đến là vô cùng cần thiết.

Cần kiểm tra toàn diện mái nhà để phát hiện các vị trí rò rỉ, nứt gãy, thấm dột hoặc dễ đọng ứ nước. Sau đó, tùy vào chất liệu mái như bê tông, tôn hay ngói lợp, có thể chọn được cách xử lý phù hợp.

Với mái tôn, cách xử lý thông thường là kiểm tra các tấm tôn cũ, các diềm mái và diềm nẹp mái bên ở các vị trí bị rỉ rét, bong rách thì cần loại bỏ thay mới để đảm bảo tránh mưa gió dột, xốc vào. Tiếp đến, nên loại bỏ phần keo trét cũ và vít bắn tôn đã rỉ sét, bắn lại các vít mới và sau đó gia cố bằng keo trét mới. Nếu trong điều kiện kinh tế cho phép thì sử dụng thêm các thanh thép để nẹp chống bão hoặc khi cần thiết có thể dùng bao cát để gia cố chống tốc mái khi gió lớn.

Với mái bê tông, cách xử lý thông thường là vệ sinh, xử lý bề mặt, trát lại những vị trí lõm gây ứ đọng nước, các vị trí bị rêu mốc ẩm bằng vữa xi măng. Đối với những vị trí nứt thì cần có biện pháp thi công đúng kỹ thuật như đục bỏ lớp bề mặt dọc theo vết nứt, sau đó sử dụng vữa rót gốc xi măng không co ngót và vữa rót gốc e-po-xy để trám lại vết nứt. Biện pháp kỹ thuật cao là thi công chống thấm và dùng sơn chống thấm phù hợp để quét toàn bộ sàn mái, sân thượng để ngăn chặn thấm dột.

Đối với mái được lợp ngói, cần chỉnh sửa lại các vị trí bị xốc lệch, thay thế các viên ngói nứt vỡ. Kiểm tra các vị trí nóc tè để xử lý các vết nứt (nếu úp nóc bằng bê tông) hoặc thay thế các viên ngói bị nứt gãy (nếu dùng ngói úp nóc).

Ông Tôn Thất Tùng Thành, Trưởng phòng Thí nghiệm - Kiểm tra chất lượng sản phẩm (Công ty CP Xi măng Đồng Lâm) chia sẻ, cũng giống như mái nhà, vách tường như một chiếc áo để bao che cho ngôi nhà, là nơi phải hứng chịu trực tiếp các tác động của thời tiết. Điểm dễ hư hỏng nhất thường là tường ở bên hông và sau nhà, nơi thường xuyên phải chịu đựng ánh nắng gay gắt và những cơn mưa xối xả.

Bề mặt tường ngoại thất luôn đối diện nguy cơ rạn nứt bề mặt do thi công hay sự co ngót của hồ vữa ngay trong năm đầu tiên. Nước mưa và hơi ẩm sẽ theo các khe nứt thấm vào bên trong, gây nên tình trạng ẩm ướt, nấm mốc dễ gây bệnh. Các vết rạn chân chim, vết ố hay tình trạng bạc màu cũng khiến cho bức tường trở nên loang lổ, khiến cho tổng thể ngôi nhà trở nên xuống cấp, cũ kỹ.

Đối với tường bị bong, xuất hiện các vết nứt cục bộ cần thực hiện đục bỏ lớp bong, đục sâu vào đến vết nứt theo hình chữ V sau đó sử dụng hỗn hợp vữa xi măng để trát lại. Đối với tường nhiều vết nứt chân chim cần vệ sinh bề mặt, thực hiện quét phủ tối thiểu hai lớp hồ xi măng, vữa trát gốc xi măng - polymer biến tính, chất chống thấm phù hợp. Lưu ý trong quá trình sửa chữa phải chuẩn bị vệ sinh bề mặt thật sạch, tạo ẩm bề mặt thích hợp và công tác bảo dưỡng phù hợp và thực hiện chống thấm, sơn phủ lại mảng tường để khôi phục tính thẩm mỹ, tăng cường bảo vệ bề ngoài.

Công tác sửa chữa nhà trước mùa mưa bão cần chú ý đến hệ thống thoát nước, đặc biệt là hệ thống thoát nước cho mái nhà và ban công cần được kiểm tra, làm sạch, loại bỏ các cặn bẩn để tránh tình trạng tắc, ứ đọng khiến nước chảy ngược vào trong nhà khi mưa lớn; tiến hành vệ sinh và tô trát lại các điểm nối giữa ống thoát nước và sàn bê tông. Khi xây mới hay sửa chữa, cần đảm bảo độ nghiêng sàn thích hợp để nước mưa dễ dàng rút hết về cổ ống thoát nước. Ngoài ra, cũng cần chú ý kiểm tra khả năng che chắn của các ô gió, phát quang cây cao xung quanh ngôi nhà để tránh mưa tạt, gãy đổ khi mưa bão.

Kiểm tra thiết bị điện

Khi có mưa bão, nguy cơ tai nạn do chập điện là rất cao. Để phòng tránh, cần kiểm tra lại các thiết bị trong nhà để đảm bảo hoạt động tốt. Các ổ điện nên ở độ cao phù hợp cho thao tác sử dụng nhưng tránh đặt dưới thấp, nhất là các địa phương thường xảy ra mưa lụt. Các thiết bị điện như máy giặt, bình nóng lạnh cần phải được nối đất. Các gia đình nên trang bị hệ thống ổn áp điện thông minh để bảo vệ các thiết bị điện và an toàn cho người sử dụng. Các aptomat điện được sử dụng, cần được lắp đặt ở những vị trí thích hợp và phù hợp với công suất sử dụng của thiết bị điện hoặc của từng phòng, từng tầng nhà để có hiệu quả bảo vệ cao nhất khi có sự cố chập điện.

Bài, ảnh: Hà Nguyên - Đình Trúc