Trong báo cáo mới nhất, IMF dự báo ​​nền kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng 1,7% trong năm nay. Ảnh: AFP/TTXVN

Việc tiếp tục cắt giảm dự báo tăng trưởng này là lần hạ thứ 4 của IMF đối với châu Á trong năm nay, nhấn mạnh sự không chắc chắn đang ngày càng gia tăng đối với sự phục hồi của khu vực do ảnh hưởng COVID-19, khi triển vọng tăng trưởng mờ nhạt của Mỹ, Trung Quốc và các nền kinh tế khu vực đồng euro đang làm dấy lên nỗi lo về một cuộc suy thoái toàn cầu.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới ngày 11/10, IMF cho rằng việc Mỹ tăng lãi suất đều đặn có khả năng sẽ tiếp tục củng cố đồng USD, làm gánh nặng nợ nần của các nền kinh tế mới nổi càng trầm trọng hơn và buộc một số nước phải tăng lãi suất cao hơn nữa để tránh đồng tiền của họ bị giảm giá quá nhiều.

“Một cuộc khủng hoảng nợ đang ngày càng gia tăng ở các nền kinh tế (mới nổi) sẽ đè nặng lên tăng trưởng toàn cầu và có thể dẫn đến suy thoái toàn cầu. Đồng USD mạnh hơn nữa rất có khả năng sẽ làm tăng cảnh nợ nần”, IMF cảnh báo.

IMF hiện kỳ ​​vọng các nền kinh tế châu Á mới nổi sẽ tăng trưởng 4,4% trong năm nay và 4,9% vào năm 2023, lần lượt giảm 0,2 điểm và 0,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 7, sau khi tăng mạnh đến 7,2% trong năm 2021.

IMF cho biết, việc cắt giảm dự báo tăng trưởng ở phần lớn khu vực là do tăng trưởng của Trung Quốc đang chậm lại. Nền kinh tế lớn nước này dự kiến sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 3,2% trong năm nay, giảm mạnh so với mức 8,1% của năm 2021, phản ánh tác động của các biện pháp phong toả nghiêm ngặt vì COVID-19 của nước này và cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản ngày càng trầm trọng hơn.

Đến năm 2023, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được dự báo ​​sẽ chứng kiến ​​mức tăng trưởng phục hồi lên 4,4%, mặc dù mức tăng trưởng này vẫn thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo của IMF được đưa ra hồi tháng 7.

Đáng chú ý, IMF dự báo nền kinh tế ASEAN-5, bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan ​​sẽ tăng trưởng 5,3% trong năm nay so với mức tăng trưởng 3,4% của năm 2021. Tuy nhiên, tăng trưởng của khu vực này dự kiến ​​sẽ chậm lại còn 4,9% vào năm 2023 do nhu cầu suy yếu ở các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc, Mỹ và khu vực đồng euro (eurozone).

Các nền kinh tế ASEAN cũng có thể chứng kiến ​​sự tăng trưởng bị đè nặng do giá thực phẩm và năng lượng cao hơn, điều này làm suy yếu sức mua của các hộ gia đình và các chính sách tiền tệ nhanh chóng được thắt chặt để kìm hãm lạm phát, IMF cho hay.

Tổ chức này cũng dự báo ​​nền kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng 1,7% trong năm nay, không thay đổi so với dự báo hồi tháng 7 và giảm nhẹ xuống còn 1,6% vào năm 2023. Việc tăng trưởng của Nhật Bản bị sụt giảm trong năm 2023 phản ánh nguy cơ suy yếu ​​của tiêu dùng do lạm phát gia tăng và tăng trưởng tiền lương chậm lại, báo cáo của IMF giải thích.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Reuters)