Nhóm tác giải đạt giải Nhất cuộc thi trong quá trình tìm kiếm ý tưởng. Ảnh: NVCC

Cuộc thi được đưa ra nhằm lấy về những ý tưởng thiết kế hướng đến việc chỉnh trang, tái thiết cảnh qua khu vực Eo Bầu - Thượng Thành, sau khi hàng ngàn hộ dân di dời ra khỏi đây, trả lại đất cho di sản. Khởi xướng từ cuối tháng 5, cuộc thi đã lan tỏa và nhận được rất nhiều thiết kế tham gia của không chỉ những người yêu thiết kế cảnh quan ở Huế mà còn đến từ nhiều nơi khác trên cả nước, hầu hết các tác giả là kiến trúc sư hay là sinh viên ngành kiến trúc.

Các tác phẩm đạt giải cũng như tham dự cuộc thi ngay sau đó được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế trưng bày, giới thiệu đến công chúng ngay phía trước Ngọ Môn – Đại Nội Huế. Rất đông người xem đã đánh giá cao cuộc thi bởi “tính thời sự” ngay sau khi người dân sống trên Kinh thành Huế dời đi, trả lại đất cho di sản.

Rất nhiều tác phẩm đã để lại ấn tượng với thiết kế hiện đại nhưng mang tính truyền thống cũng như công năng. Trong đó, thiết kế của nhóm tác giả Đỗ Trí Kiệt, Trần Công Tấn, Trần Văn Tiến, Nguyễn Tấn Tài, Nguyễn Ngọc Tùng đến từ Khoa Kiến trúc, ĐH Khoa học, Đại học Huế được đánh giá cao nhất với giải nhất được ban tổ chức trao tặng.

Tác giả Trần Công Tấn, đại diện nhóm tác giả kể rằng, để có được thiết kế như thế, cả nhóm mất rất nhiều thời gian đi thực địa, lên ý tưởng và hiện thức hóa ý tưởng đó trên bản vẽ. Thiết kế đó được nhóm chọn với diện tích không gian thoáng rộng, có diện tích lên tới 5.000m2. Trong không gian đó, điểm nhấn được cả nhóm chú trọng và đặt lên hàng đầu đó chính là điểm xanh phục vụ cho cộng đồng. Quanh đó có bãi giữ xe du lịch chủ yếu cho du khách tham quan quần thể di tích Đại nội Huế, cạnh đó là các nhà vệ sinh công cộng cũng như quầy bán hàng lưu động.

“Thiết kế này của nhóm mình còn hướng đến tạo không gian sinh hoạt công cộng cho người dân sống quanh đó. Bên cạnh đó là ý đồ đưa di sản tới gần hơn với người dân, từ đó, phát huy các giá trị di sản vốn có”, Tấn nói.

Chàng sinh viên năm 5 cũng cho biết, ý tưởng thiết kế của cả nhóm hướng tới kết hợp những hình khối đơn giản mang tính trừu tượng, với bố cục đối xứng hai bên qua trục của Eo Bầu mang đến cảm giác chỉn chu, trang nghiêm cho một không gian gắn liền với di tích. “Toàn bộ khu vực cải tạo luôn đi liền với sự tôn trọng gìn giữ, không tác động tới công trình lịch sử”, Tấn khẳng định.

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nói rằng, Kinh thành Huế nói riêng và di sản Huế nói chúng là tài sản quý và là một bộ phận di sản văn hóa của nhân loại. Giai đoạn này, dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng. Việc này góp phần hồi sinh diện mạo của Kinh thành Huế.

“Xuất phát từ mong muốn của những người làm công tác bảo tồn muốn lan tỏa giá trị di sản Huế đến với cộng đồng, chỉnh trang cảnh quan sau khi di dời dân cư trên Eo Bầu – Thượng Thành. Đồng thời nhằm trưng cầu các sáng kiến, ý tưởng độc đáo để có những định hướng phát triển du lịch và phát huy giá trị Thượng Thành - Eo Bầu, trung tâm đã phối hợp với Khoa Kiến trúc, Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế tổ chức cuộc thi thiết kế này”, ông Trung chia sẻ.

Những người yêu di sản khi tham quan những tác phẩm cho rằng, di dời được người dân ra khu vực Thượng Thành – Eo Bầu là việc lớn và khó nhưng đã làm được. Vì thế, việc tái tạo cảnh quan, thiết kế không gian để phục vụ cộng đồng cũng như khai thác du lịch sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn.

Từ những tác phẩm đạt giải lần này, người xem mong muốn sẽ sớm được hiện thực hóa trên chính những không gian mà người dân trả lại đất cho di sản một ngày sớm nhất. “Từ các ý tưởng đó cần bàn và tính toán thêm để đưa ra phương án chỉnh trang không gian cho Eo Bầu – Thượng Thành một cách sớm nhất với những công việc cụ thể, thực tế”, anh Nguyễn Hoài, người tham quan các tác phẩm thiết kế trưng bày, hy vọng.

NHẬT MINH