Niềm vui của người nghèo khi được trao "cần câu" phù hợp

Những mô hình hiệu quả

Trước đây, Vinh An là xã bãi ngang - vùng đặc biệt khó khăn của huyện Phú Vang, hộ nghèo, cận nghèo chiếm tỷ lệ khá cao so với những địa bàn khác. Chính quyền địa phương đã tập trung nỗ lực triển khai nhiều mô hình thiết thực và hiệu quả để giúp các hộ nghèo, cận nghèo giảm nghèo, thoát nghèo; giúp những hộ mới thoát nghèo có “đà” vươn lên phát triển kinh tế.

Ông Phạm Phụng, Chủ tịch UBND xã Vinh An cho biết: Khi áp dụng những chương trình giảm nghèo từ nguồn kinh phí của Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương rà soát kỹ, chính xác các đối tượng, nhu cầu của họ để việc áp dụng thật sát sườn và hiệu quả, thông qua hỗ trợ xây dựng nhà ở, hỗ trợ sinh kế (cây, con giống); hỗ trợ tạo việc làm, tạo điều kiện cho vay vốn để phát triển sản xuất hoặc xuất khẩu lao động. Bên cạnh đó, bằng tất cả tâm huyết và trách nhiệm, chính quyền các cấp và các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn Vinh An đã thực hiện các mô hình giúp người nghèo rất thiết thực, ý nghĩa.

Ba năm qua, mô hình “Nhịn ăn sáng giúp người nghèo” của Ban điều hành thôn và Chi bộ thôn Trung Định Hải có ý nghĩa đặc biệt đối với người dân trên địa bàn. “Ban điều hành thôn và chi bộ thôn chọn 1 trường hợp nghèo, già yếu neo đơn, để giúp đến hết đời. Theo đó, mỗi thành viên trong ban điều hành thôn, mỗi đảng viên trong chi bộ (bao gồm các đảng viên đương chức sinh hoạt tại chi bộ thôn), trong tháng sẽ nhịn 1 bữa sáng, để đóng góp 20 nghìn đồng. Số tiền mỗi tháng ban điều hành và chi bộ thôn đóng góp được hơn 400 nghìn đồng, giúp bà Thiên, nghèo nhất thôn. Sau khi bà Thiên qua đời, ban điều hành và chi bộ thôn tiếp tục giúp bà Hoa, là trường hợp nghèo, già cả bệnh tật, không chồng con. Mô hình này sẽ tiếp tục dài lâu, cho đến lúc trong thôn không còn người nghèo già cả, neo đơn. Hiện, mô hình đã được thôn Hà Úc 3 áp dụng; thời gian tới sẽ được nhân lên nhiều hơn nữa” - ông Phạm Phụng cho hay, ý nghĩa nhân văn của mô hình lan tỏa, khiến người dân trên địa bàn có tinh thần, trách nhiệm hơn trong các hoạt động chung tay vì người nghèo.

“Mỗi tổ chức, đoàn thể phụ trách, giúp đỡ hộ nghèo” cũng là mô hình mang lại hiệu quả cao, đã được Vinh An thực hiện nhiều năm qua. Theo đó, hàng năm, các tổ chức, đoàn thể đăng ký phụ trách, 3-5 hộ nghèo, cận nghèo, giúp đỡ, hỗ trợ các hộ này thoát nghèo, thông qua việc nắm rõ nhu cầu của từng hộ về sinh kế, từ đó vận động, kết nối mạnh thường quân để hỗ trợ “ra tấm ra món”. Hoặc nếu các hộ được trao sinh kế từ nguồn kinh phí Nhà nước, “người” phụ trách có trách nhiệm vận động mạnh thường quân, đối ứng thêm để tăng thêm số lượng con giống, giúp các hộ có “đà” phát triển kinh tế, xóa nghèo nhanh, bền vững. Từ mô hình hiệu quả này, lãnh đạo huyện đã đưa ra chủ trương, chỉ đạo các đơn vị trên toàn huyện triển khai, áp dụng.

Ngoài ra, các mô hình như “địa chỉ nhân đạo”, do Hội Chữ thập đỏ, Hội Phụ nữ, Xã đoàn phụ trách giúp đỡ các hộ nghèo được các xã Vinh An, Vinh Thanh, Phú Diên và nhiều đơn vị khác trên toàn huyện thực hiện hiệu quả; vận động mạnh thường quân đóng góp, cùng với kinh phí của Nhà nước, giúp xây dựng nhà ở chắc chắn cho các hộ.

Bí thư Huyện ủy Phú Vang thăm, động viên cơ sở sản xuất tại Vinh An đã tạo việc làm cho người nghèo trên địa bàn

Đồng hành “dài hơi”

Hỗ trợ về nhà ở, vừa hỗ trợ sinh kế, đồng hành “dài hơi” để giúp các hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền vững, là giải pháp mà nhiều đơn vị trên địa bàn huyện Phú Vang đang nỗ lực thực hiện. Theo chân chị Trần Thị Thu Thủy, Chủ tịch UBMTTQ xã Vinh Thanh đến nhà anh Nguyễn Công Tâm khi thôn, xóm đã lên đèn. Nhưng lúc này anh Tâm vẫn đang lúi húi chăm sóc  6 con heo. Người đàn ông một mình nuôi 4 đứa con đang ở tuổi đi học kể, đàn có 8 con heo, nhưng vừa bán 2 con lấy tiền lo cho các con ăn học. Ngôi nhà đại đoàn kết mới xây xong trị giá hơn 100 triệu đồng, chắc chắn nên cha con anh Tâm không còn phải lo lắng trước mùa mưa bão.

“Biết gia đình mình thuộc diện được chính quyền xét hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết, nhưng ban đầu anh Tâm không đồng ý nhận 40 triệu đồng kinh phí do huyện hỗ trợ, vì lo nợ nần. Chúng tôi phải “đi lui đi tới” rất nhiều lần, phân tích, hứa sẽ tiếp tục vận động mạnh thường quân, anh Tâm mới đồng ý. Sau đó, anh em bà con xa gần chung tay giúp đỡ tổng cộng hơn 60 triệu đồng” - chị Trần Thị Thu Thủy cho hay. Đã “lo” được nhà cho hộ nghèo này, bây giờ, địa phương tiếp tục hỗ trợ sinh kế (con giống), để anh Tâm có thêm điều kiện “tăng tốc”, thoát nghèo vào cuối năm nay. Do đó, Chủ tịch UBMTTQ xã Vinh Thanh đến tận nơi nắm bắt nhu cầu để có hỗ trợ phù hợp, đạt hiệu quả cao.

Hộ bà Dương Thị Xuân, ông Hoàng Sơn, vợ chồng đau ốm, bệnh tật, cũng thuộc diện hộ nghèo đã được hỗ trợ xây nhà với tổng kinh phí hơn 100 triệu đồng (kinh phí của huyện 40 triệu đồng). Ngoài vận động mạnh thường quân hơn 60 triệu đồng để xây nhà, UBMTTQ xã Vinh Thanh đã kết nối để mạnh thường quân hỗ trợ chi phí học tập cho 2 người con của vợ chồng bà Xuân, đến lúc các cháu tốt nghiệp PTTH. Đợt này, hộ bà Xuân cũng được hỗ trợ sinh kế, trao con giống phù hợp, để gia đình thuận lợi trong phát triển kinh tế.

Theo lãnh đạo huyện Phú Vang, nhiều đơn vị trên địa bàn huyện đã thực hiện rất hiệu quả giải pháp nêu trên. Vừa hỗ trợ nhà, vừa hỗ trợ sinh kế, đồng hành trong cả chặng đường dài, là cách địa phương giúp các hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền vững, đồng thời có “đà” tiếp tục vươn lên phát triển kinh tế.

“Phú Vang đang tăng cường huy động các nguồn lực để thực hiện có hiệu quả chính sách giảm nghèo; tiếp tục thực hiện tốt các phong trào, cuộc vận động giúp đỡ người nghèo do các cấp, các ngành, hội, đoàn thể và các nhóm thiện nguyện phát động. Đặc biệt, phát huy những mô hình hiệu quả, để giúp 210 hộ đăng ký trong năm 2022 thực sự thoát nghèo” - ông Trần Nhơn Mâng, Trưởng phòng Lao động, Thương binh & Xã hội huyện Phú Vang cho biết.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh