Ngày 11/10/2022, UBND tỉnh vừa có Quyết định số 2458/QĐ-UBND ban hành Quy định đánh giá, xếp loại công tác cải cách hành chính (CCHC) của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố. Cùng với đó là Bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại CCHC của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị và thành phố được xác định theo các nhóm tiêu chí cụ thể, kết hợp cả phương pháp điều tra xã hội học để đánh giá thực chất kết quả CCHC của các đơn vị, địa phương.

Những năm qua, công tác CCHC luôn được UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt. Lãnh đạo tỉnh xác định công tác CCHC gắn với xây dựng chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh là Chương trình trọng điểm trong phát triển kinh tế - xã hội và được tổ chức thực hiện đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Việc rà soát và ban hành lại bộ thủ tục hành chính đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, công dân và đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước. Việc triển khai cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, ứng dụng tiếp nhận thủ tục hành chính trực tuyến qua phần mềm dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của các cơ quan, đơn vị đã tạo điều kiện thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

Trong bảng xếp hạng chỉ số CCHC (PAR INDEX) và chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) vài năm trở lại đây, Thừa Thiên Huế có sự bứt phá mạnh mẽ, nhất là năm 2020 và 2021 đều nằm ở top 5 toàn quốc.

 

Đối với việc đánh giá xếp loại công tác CCHC tại các đơn vị, địa phương cũng được UBND tỉnh thực hiện vài năm nay, nhằm đánh giá, ghi nhận những nỗ lực của từng đơn vị, địa phương và kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém. Việc đánh giá tập trung vào 7 nội dung chủ yếu: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa hành chính nhà nước; tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành CCHC. Năm 2021, 100% đơn vị cấp sở của tỉnh đều xếp loại khá trở lên; trong đó UBND tỉnh dẫn đầu, xếp loại xuất sắc; 9/9 đơn vị cấp huyện đều được xếp loại tốt và Hương Trà là đơn vị dẫn đầu.

Với Bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại công tác cải cách hành chính của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã và thành phố năm 2022 vừa được UBND tỉnh ban hành, các lĩnh vực, tiêu chí, tiêu chí thành phần được cụ thể, chi tiết hơn, sát với yêu cầu, nội dung trong thực hiện nhiệm vụ của các sở, ngành, địa phương. Bên cạnh 7 lĩnh vực, tiêu chí cơ bản đã được bổ sung so với bộ tiêu chí cũ, bộ tiêu chí mới này có thêm 3 nội dung mới là đánh giá tác động của CCHC đến các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; điều tra xã hội học đối với 2 chỉ số: năng lực cạnh tranh cấp huyện (DDCI) và mức độ hài lòng của người dân, tổ chức (SIPAS); đánh giá của lãnh đạo tỉnh.

Như vậy, với các tiêu chí mới bổ sung, việc đánh giá kết quả CCHC mang tính toàn diện, đa chiều và thực chất hơn. Đó là thước đo hiệu quả công tác CCHC trong thực tế cuộc sống. Bởi mục tiêu cuối cùng của CCHC là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Trong công cuộc đổi mới hiện nay, CCHC được xác định vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; góp phần phòng ngừa và hạn chế tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy chính quyền các cấp. CCHC là công việc thường xuyên, liên tục; chưa tốt cần làm cho tốt và đã tốt rồi thì càng tốt hơn, để đáp ứng yêu cầu chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp; góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và cả nước nói chung

Hoàng Minh