Nuôi cá lồng trên sông Bồ có nguy cơ thiệt hại trong mưa lũ
Với đặc thù địa hình đồi núi dốc, từ lâu người dân ở Quảng Nhâm (A Lưới) - vùng lòng chảo bao quanh núi, bên triền đồi, vùng ngập lụt bị ảnh hưởng do thủy điện tích nước nên nguy cơ thiệt hại trong mùa mưa bão rất lớn.
Ông Hồ Trọng Chăn, Chủ tịch UBND xã Quảng Nhâm cho biết, toàn xã có 3 vùng trọng điểm sạt lở núi, ngập lụt trong mùa mưa bão bao gồm các thôn A Bar, Nhâm, A Lưới với hơn 100 hộ dân. Trong đó, vùng nguy cơ cao nhất là thôn A Bar với đặc điểm địa hình có 60 hộ dân định cư giữa lòng chảo, bao quanh núi đồi.
Hàng năm đến mùa mưa bão, hiện tượng sạt lở núi thường xảy ra và thường xuyên ngập lụt gây hư hỏng nhà cửa, ruộng vườn và một số tuyến đường giao thông. Khảo sát của địa phương cho thấy, trên các triền đồi khu vực này đã xuất hiện các điểm đứt gãy, nguy cơ trượt lở núi rất cao trong mùa mưa bão. Thời điểm hiện tại, xác định có lượng mưa lớn như dự báo, địa phương lên phương án di dời 60 hộ dân khu vực này đến các điểm trường.
Ngoài các hộ dân này còn có 40 hộ sống ven chân núi, khu vực ngập lụt do thủy điện tích nước đến 5 điểm trường trên địa bàn. “Hiện UBND huyện đã xây dựng khu tái định cư (TĐC) nằm trên địa bàn xã Nhâm phục vụ TĐC cho các hộ dân ảnh hưởng sạt lở núi, lũ quét và ngập lụt trên địa bàn huyện với khoảng 50 hộ dân. Nếu được bố trí TĐC, trước mắt chính quyền sẽ ưu tiên cho những hộ dân ở thôn A Bar. Hiện nhu cầu xây khu TĐC ở địa phương khá lớn, để phục vụ nhu cầu đến nơi ở mới cho người dân các thôn bị ảnh hưởng sẽ cần một khu vực khoảng 3 ha, địa phương dự kiến mặt bằng để xây dựng khu TĐC cách khu dân cư cũ khoảng 1 km”, ông Chăn cho biết thêm.
Nước đã ngấp nghé nhà dân ở Xuân Tùy (Quảng Phú, Quảng Điền), hạ lưu sông Bồ
Tương tự, nhiều năm nay, 14 hộ dân sống ở khu vực ở chân đèo Phú Gia (Lộc Tiến, Phú Lộc) luôn thấp thỏm lo lắng bởi tình trạng nguy cơ sạt lở núi tại đây. Các hộ dân sống rải rác dọc dưới chân núi trong khoảng cách từ 150-400m gần chân núi. Từ tuyến QL1A dễ dàng nhận rõ vết nứt gãy kéo dài, với khối lượng đất đá khá lớn, nguy cơ sạt trượt trên lưng chừng núi khi có mưa lớn.
“Ngay trong chiều nay (14/10) nhằm đảm bảo an toàn, xã sẽ tiến hành di dời khẩn cấp các hộ dân ở thôn Phú Gia xen ghép vào các hộ gia đình nằm phía ngoài Quốc lộ 1. Từ năm 2021, UBND tỉnh đã giao Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh nghiên cứu phương án, tiến hành đền bù nhằm di dời các hộ dân đến khu TĐC thôn Phước Lộc nằm trên địa bàn xã, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được”, ông Phan Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến thông tin.
Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, hiện UBND các huyện, thị xã và TP. Huế đã tiến hành rà soát phương án sơ tán, di dời các hộ dân vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bão, lũ lụt, nước dâng do bão đến nơi an toàn. Cụ thể, đối với lũ, ngập lụt sẽ tiến hành sơn tán 12.897 hộ/44.349 khẩu; áp thấp nhiệt đới, bão sẽ tiến hành sơ tán 15.738 hộ/55.629 khẩu và 5.717 hộ/21.108 khẩu sơ tán do do lũ quét, sạt lở đất.
Một số khu vực miền núi thấp thỏm lo sạt lở
“Trên cơ sở phương án, căn cứ diễn biến về tình hình bão, lũ, các địa phương điều chỉnh số lượng người sơ tán, quyết định thời gian và ưu tiên triển khai sơ tán các đối tượng dễ bị tổn thương trước như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo để chủ động sơ tán người dân đến nơi an toàn”, ông Đặng Văn Hòa, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho hay.
Ông Nguyễn Lương Bảy - Phó Giám đốc Sở Công thương khẳng định, đơn vị đã triển khai phương án dự trữ cấp tỉnh về lương thực thực phẩm, công nghệ phẩm, vật tư thiết yếu phục vụ phòng chống thiên tai với số lượng 100 tấn mì ăn liền, 100 tấn gạo. Bình ổn giá cả thị trường, vật tư thiết yếu. Ngoài ra, các địa phương tự dự trữ tại cấp huyện, cấp xã và vận động người dân dự trữ lương thực thực phẩm đảm bảo 7 ngày khi có thiên tai xảy ra.
Nhằm ứng phó cho đợt mưa lớn, UBND tỉnh yêu cầu các sở ngành, địa phương tuyệt đối không được chủ quan, triển khai các phương án ứng phó kịp thời nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Rà soát, chủ động sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu, phòng chống ngập úng đô thị.
Bố trí lực lượng kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết, không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người và tổ chức gia cố đảm bảo an toàn cho các khu nuôi thuỷ sản, các lồng, bè trên sông, đầm phá và các ao, hồ nuôi thủy sản cao triều, hạ triều ven biển.
Nhiều diện tích thủy sản chưa thu hoạch Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện còn hơn 1.860ha diện tích ao nuôi trồng thủy sản, hơn 2.800 lồng cá nuôi và hơn 2.500ha sắn, rau vụ đông chưa thu hoạch. Sở đã yêu cầu các địa phương đốc thúc người dân thu hoạch thủy sản thương phẩm và ứng phó với mưa bão, lũ lụt, đồng thời đã kiểm tra thực tế chỉ đạo công tác neo các lồng nuôi nhằm đảm bảo an toàn. |
Bài, ảnh: Hà Nguyên