Chủ tịch UBND TP. Huế Võ Lê Nhật (bìa trái) kiểm tra công tác PCLB tại Trường tiểu học Thuỷ Vân
Qua kiểm tra tại các cơ sở trường học ở xã Thuỷ Vân, Chủ tịch UBND TP. Huế Võ Lê Nhật yêu cầu các trường học ở vùng thấp trũng khẩn trương di chuyển các thiết bị dạy và học lên cao, đảm bảo an toàn cơ sở vật chất không để xảy ra ngập lụt, hư hỏng trước diễn biến phức tạp của thời tiết trong những ngày tới. Yêu cầu chính quyền địa phương huy động các lực lượng để giúp các trường học trong công tác này. Đồng thời, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Huế thông báo cho học sinh nghỉ học trong chiều 14/10 đối với vùng thấp trũng, vùng nguy cơ sạt lở cao và ngày 15/10 trên toàn địa bàn TP. Huế theo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh.
Tại xã Thuỷ Bằng, một trong những địa phương vùng núi và hiện có khá nhiều hộ dân sinh sống, để đảm bảo an toàn cho người và tài sản của Nhân dân, lãnh đạo TP. Huế yêu cầu xã Thuỷ Bằng rà soát, lên phương án sẵn sàng di dời các hộ dân ở thôn La Khê trước diễn biến phức tạp của thời tiết; đồng thời, bố trí lực lượng ứng trực 24/24h, đảm bảo lương thực thực phẩm và an toàn cho người dân.
Lực lượng chức năng ngăn đường vùng ngập lụt cấm người dân qua lại. Ảnh: Ngọc Bảo
Tại xã Quảng Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Phan Thanh Phong cho biết, mực nước sông Bồ dâng cao làm một số nơi trong xã như Xuân Tùy, Nghĩa Lộ, Hạ Lang, Hà Cảng… đã ngập sâu 0,5-0,8m. Trên địa bàn dọc sông Bồ hiện có 5 hộ nuôi 35 ô nuôi cá diêu hồng với khoảng 20 tấn đang trong giai đoạn thu hoạch; cá trắm 272 lồng với khoảng 164 tấn. Để an toàn cá nuôi vượt lũ, UBND xã đã chỉ đạo các hộ nuôi có phương án neo lồng tránh lũ cuốn.
Tương tự, tại xã Quảng Thọ, ông Hoàng Công Phong, Chủ tịch UBND xã cho biết, nước sông Bồ dâng cao, một số thôn như Niêm Phò, Phò Nam B, Phò Nam A có nơi ngập sâu 0,7m, một số hộ dân nước đã tràn vào nhà. Trên sông có hơn 850 lồng cá trắm nuôi với khoảng 250 tấn cá cũng đã được gia cố an toàn; tuyệt đối không để người dân ở trên các lồng, bè nuôi thuỷ sản khi mưa lũ. Diện tích hoa màu ngập chủ yếu là rau má.
Tại các xã Quảng An, Quảng Thành, Quảng Phước, thị trấn Sịa nước cũng bắt đầu dâng cao. Một số tuyến Tỉnh lộ 8, đường Nguyễn Chí Thanh ngập sâu 0,4-0,6m. Nhiều diện tích hoa màu ở Quảng Thành, Quảng Phú, thị trấn Sịa đã bị ngập.
Hơn 1.100 lồng cá nuôi trên sông Bồ được gia cố tránh lũ cuốn trôi
Ảnh: Thanh Phong
Theo Chủ tịch UBND huyện Lê Ngọc Bảo, trong chiều 14/10, tất cả học sinh toàn huyện được cho nghỉ học. Toàn huyện dự kiến di dời 934 hộ/2.433 khẩu ở khu vực có nguy cơ xảy ra ngập sâu, sạt lở đất ven sông, ven phá và ven biển đến nơi an toàn khi mực nước sông Bồ trên báo động 3. Bố trí lực lượng kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết, không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người.
Huyện Quảng Điền đã trích nguồn kinh phí dự phòng mua đảm bảo lượng hàng dự trữ của huyện đủ 60 tấn gạo, 10.000 gói mì ăn liền để cứu trợ khẩn cấp; đồng thời, chuẩn bị cho lực lượng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của huyện 1.000 lít xăng, 1.000 lít dầu diezel, 10.000 bao tải đựng đất, 100 rọ thép để ứng phó kịp thời khi có thiên tai xảy ra. Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn trích nguồn kinh phí dự phòng mua dự trữ 1 tấn gạo, 5.000 gói mì ăn liền, 100 lít xăng, dầu ở mỗi đơn vị để chuẩn bị phòng, chống thiên tai.
Huyện chỉ đạo các xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn Nhân dân thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn hạn chế thiệt hại khi mưa lũ, ngập lụt, đặc biệt là các tai nạn thương tích đuối nước trước và sau lũ.
Tin, ảnh: Thanh Hương - Thái Bình