Công an làm việc với một nạn nhân ở Thừa Thiên Huế từng bị lừa sang Campuchia làm việc 

Theo đó, Công an tỉnh đề nghị người dân nâng cao cảnh giác, tỉnh táo, tránh những lời mời chào cơ hội “việc nhẹ, lương cao” trên mạng xã hội, nhất là lời mời chào công việc tại Campuchia.

Tìm hiểu kỹ thông tin và lựa chọn đơn vị tư vấn, môi giới xuất khẩu, lao động uy tín do các cơ quan Nhà nước cho phép giới thiệu. Nếu phát hiện các thông tin, tình hình có liên quan đến các thủ đoạn trên, người dân cần lập tức liên hệ với cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên Huế qua số điện thoại: 02343826666 để trình báo, tố giác.

Từ thực tế cho thấy, qua mạng xã hội hoặc các mối quan hệ quen biết, các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo người lao động qua Campuchia làm việc với tiêu chí “việc nhẹ, lương cao”. Xuất cảnh sang Campuchia chủ yếu theo đường tiểu ngạch (bất hợp pháp). Các đối tượng đưa người lao động vào các cơ sở do người Trung Quốc làm chủ và bốc lột, cưỡng bức lao động.

Nếu không đáp ứng được tần suất làm việc, các đối tượng không cho người lao động liên lạc với bên ngoài. Khi người lao động muốn quay về lại Việt Nam, các đối tượng buộc nạn nhân phải liên lạc với gia đình để đòi tiền chuộc.

Trước đó, Báo Thừa Thiên Huế điện tử cũng đã từng cảnh báo thủ đoạn này với tiêu đề “Sập bẫy việc làm Campuchia”. Tin vào những lời mời chào, quảng cáo từ các trang mạng xã hội hứa hẹn về một công việc ổn định, lương cao, nhiều người ở Thừa Thiên Huế đã sập bẫy để rồi bị “bán” sang Campuchia.

Tại đây, họ bị đưa vào những tòa nhà biệt lập nằm giữa rừng sâu hay sát biển, hằng ngày bị canh gác. Hầu hết các nạn nhân đã phải trải qua cuộc sống tủi nhục, bị dọa nạt, đánh đập, bị nhốt, bị bỏ đói… Và nếu muốn về lại Việt Nam, gia đình nạn nhân phải bỏ tiền chuộc từ 60 đến 200 triệu đồng.

Tin, ảnh: Anh Phong