Công trình cầu qua cửa biển Thuận An - một trong những dự án lớn của tỉnh
Bám sát các mục tiêu lớn
Mục tiêu lớn nhất hiện nay của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân trong tỉnh đặt ra là, tập trung các nguồn lực, huy động sức mạnh tổng hợp để thực hiện đạt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ lớn đã đề ra theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
Theo đó, năm 2022, hàng loạt các dự án trọng điểm đã được khởi công, thể hiện sự quyết tâm cao của tỉnh trong việc đưa Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Ngoài bộ mặt, diện mạo mới từ thành thị đến nông thôn ngày càng thay đổi, kết cấu hạ tầng cũng đã và đang được đồng bộ cho một thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai không xa; tạo đà thúc đẩy sự phát triển đi lên của tỉnh.
Thực tế này, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành, hệ thống chính trị trong toàn tỉnh, nhất là đội ngũ làm công tác dân vận của Đảng từ tỉnh đến cơ sở cần phát huy tốt hơn nữa vai trò, chức trách, nhiệm vụ của mình.
Thường xuyên bám nắm cơ sở, gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với người dân là giải pháp quan trọng hiện nay cũng như yêu cầu đặt ra đối với những người làm công tác dân vận của Đảng trong toàn tỉnh. Khó khăn là điều khó tránh khỏi, nhưng làm sao để người dân đồng thuận, nhất trí với những chủ trương, việc làm của địa phương là vấn đề đặt ra.
“Mọi chủ trương, hoạt động nào khi triển khai thực hiện cũng dựa trên nguyên tắc gắn quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của người dân thì, người dân sẽ đồng thuận. Điều này, đồng nghĩa với việc “biến” việc khó, trở thành việc dễ”, ông Nguyễn Văn Đe, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Phú Vang chia sẻ.
Quy chế dân chủ luôn được phát huy
Thời gian qua, đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh và các đơn vị, địa phương trong tỉnh tăng cường về cơ sở, lắng nghe, đối thoại với người dân để tập trung tháo gỡ khó khăn cho người dân. Đây cũng là thể hiện sự “gần dân, trọng dân” của đội ngũ lãnh đạo các cấp. Những vấn đề khó khăn, thắc mắc mà người dân gặp phải đều được giải đáp, lãnh, chỉ đạo để giải quyết trên tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương và các phòng, ban chuyên môn.
Chẳng hạn, tại dự án đường dây 500Kv Quảng Trạch - Dốc Sỏi (đoạn qua thị trấn Phú Lộc), 11 hộ dân trong vùng ảnh hưởng chưa đồng thuận phương án bồi thường, hỗ trợ đất và tài sản. Sau khi giải quyết được “bài toán” áp mức giá bồi thường, hỗ trợ về đất và tài sản cho các hộ dân từ các cấp chính quyền, địa phương, kết hợp với tăng cường công tác dân vận cơ sở đã tạo được sự đồng thuận của người dân; tạo điện kiện cho dự án kịp với tiến độ đề ra - Ông Hồ Trọng Cầu, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Phú Lộc nhớ lại.
Một trong những vấn đề lớn mà các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và đội ngũ làm công tác dân vận từ tỉnh đến cơ sở tập trung thực hiện bằng được đó là, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Tuy là vấn đề khó, nhưng không phải không thực hiện được nếu có sự đồng sức, đồng lòng của người dân.
Bí thư Huyện ủy A Lưới, ông Huỳnh Công Quảng cho biết: Thoát ra khỏi danh sách 74 huyện nghèo của cả nước là mục tiêu mà Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị, người dân huyện đặt ra từ nay đến cuối năm 2023. Hiện, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, hệ thống chính trị từ huyện đến xã đã và đang thực hiện các việc làm cụ thể, thiết thực gắn với từng địa chỉ, từng hộ gia đình để hạ tỷ lệ hộ nghèo. Hết năm 2022, huyện quyết tâm giảm bằng được 1.430 hộ nghèo, xóa 250 nhà tạm cho người dân...
Thực tế cho thấy, nhờ tích cực bám nắm địa bàn, gặp gỡ, đối thoại với từng hộ gia đình theo từng địa chỉ, nên người dân rất đồng tình, ủng hộ cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương đạt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong tất cả các lĩnh vực, nhất là hạ tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống mức thấp nhất.
“Để hạ tỷ lệ hộ nghèo trong năm 2022, huyện đã xây dựng phương án cụ thể thoát nghèo cho 176 hộ. Trên cơ sở đó, cán bộ từ cấp huyện đến xã, thôn, bản đều phải vào cuộc để xóa hộ nghèo. Mới đây, thông qua đội ngũ làm công tác dân vận ở cơ sở, huyện phối hợp với ngành chức năng và Công ty Suleco tổ chức hội nghị tư vấn, định hướng đi làm việc nước ngoài để xóa nghèo bền vững tại 2 cụm, gồm 10 xã cho 300 người trong độ tuổi lao động. Qua đó, nhiều lao động trên địa bàn huyện đã xuất khẩu và đăng ký xuất khẩu lao động để thoát nghèo”, ông Mai Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nam Đông trao đổi.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ, công tác dân vận phải tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng; nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng. Đội ngũ làm công tác dân vận đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân đồng thuận trong thực hiện các dự án, chương trình trọng điểm; xây dựng công tác dân vận ngày càng chuyên nghiệp hơn; người làm công tác dân vận phải am tường mọi vấn đề; nói dân hiểu, hiểu dân nói. Tăng cường tiếp xúc, đối thoại với người dân; kiện toàn, nâng cao hiệu quả ban chỉ đạo quy chế dân chủ ở cơ sở các cấp, ban thanh tra nhân dân; bám cơ sở, nắm chắc tình hình; tăng cường công tác phối hợp; giám sát, phản biện xã hội; nỗ lực cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; góp phần quan trọng vào sự phát triển quê hương Thừa Thiên Huế ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Bài, ảnh: Anh Phong