Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại với Phụ nữ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Sáng 15/10, nhân kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với phụ nữ về "Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế-xã hội."

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ và trực tuyến với 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Dự hội nghị tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo Trung ương các tổ chức chính trị-xã hội; lãnh đạo Thành phố Hà Nội.

Tại các điểm cầu 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, lãnh đạo các sở, ban, ngành các tỉnh/thành phố và hơn 5.000 hội viên, phụ nữ tiêu biểu trong các lĩnh vực, cán bộ Hội các cấp...

Phát biểu đề dẫn, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết thời gian qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến công tác phụ nữ, nhiều chương trình, chính sách, đề án đã được Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện, tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ.

Cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ đã luôn nỗ lực không ngừng, tích cực học tập, lao động, khẳng định vai trò quan trọng của giới mình đối với sự phát triển của đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các khách mời đối thoại với Phụ nữ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 30,26%, hiện xếp hạng thứ 62/190 quốc gia; tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương là 48,3%; tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 26,5%, góp phần đưa chỉ số kết quả tiến bộ của phụ nữ trong doanh nghiệp của Việt Nam xếp thứ 9 trên tổng 58 nước, xếp thứ 2 trong 6 nước Đông Nam Á được nghiên cứu...

Để chuẩn bị cho hội nghị này, các cấp Hội đã tổ chức lấy ý kiến, tổng hợp đề xuất, kiến nghị của hội viên, phụ nữ thông qua sinh hoạt hội viên, tiếp công dân, giải quyết đơn thư, nắm bắt dư luận xã hội, mở chuyên mục trên Báo Phụ nữ Việt Nam, thu thập ý kiến trên hệ thống cổng thông tin điện tử và các nền tảng số của Hội.

Trong chương trình đối thoại, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các Bộ, ngành, thành viên Chính phủ sẽ đối thoại với đại diện phụ nữ cả nước các chủ đề chính: phụ nữ với phát triển kinh tế; phụ nữ và các vấn đề an sinh xã hội, bình đẳng giới; phụ nữ và thế hệ tương lai.

Hội nghị Đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với phụ nữ là cơ hội để các tầng lớp phụ nữ chia sẻ và gửi gắm tới Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ những vấn đề phụ nữ quan tâm.

Đồng thời, đây cũng là dịp để Thủ tướng động viên, khích lệ phụ nữ nỗ lực và quyết tâm hiện thực hóa những mong ước của bản thân, khơi dậy tiềm năng sẵn có trong mỗi phụ nữ, mỗi người, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà cho đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trong chương trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng tặng thưởng 10 cá nhân phụ nữ tiêu biểu đã đạt thành tích xuất sắc trong việc thực hiện các đề án của Chính phủ là Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027” và Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn năm 2017-2025.”

Phát biểu mở đầu đối thoại, nhân kỷ niệm 92 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời thăm hỏi và lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các bà, các mẹ, các chị, các em, các cháu gái trong cả nước.

Thủ tướng khẳng định phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ luôn có vai trò đặc biệt, có nhiều đóng góp to lớn trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển của đất nước.

Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, vị trí công việc gì, phụ nữ Việt Nam cũng tỏa sáng phẩm chất “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” như tám chữ vàng mà Bác Hồ đã dành tặng cho phụ nữ Việt Nam.

Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ với nhiều chủ trương, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ phụ nữ trong tạo việc làm, khởi nghiệp...

Với những chính sách đó, Việt Nam đã tạo được môi trường, điều kiện thuận lợi để phụ nữ ngày càng khẳng định vị thế, vai trò và có nhiều cơ hội đóng góp cho gia đình, cộng đồng và xã hội.

Tuy nhiên, chúng ta còn nhiều việc phải làm để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người phụ nữ, để phụ nữ có cơ hội, điều kiện đóng góp cho xã hội, cho đất nước, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Từ đầu năm 2022 tới nay, Thủ tướng đã có các cuộc gặp gỡ, đối thoại với nhiều đối tượng, nông dân, người lao động, doanh nghiệp trong và ngoài nước để cùng nhau chia sẻ, tìm các giải pháp thiết thực, hiệu quả, xử lý những khó khăn đang hiện hữu và cả trong tương lai.

Theo Thủ tướng, thông qua cuộc đối thoại, Thủ tướng muốn lắng nghe, chia sẻ, cùng giải quyết và cùng có trách nhiệm trong thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, thân thành, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đại biểu nói rõ những tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc. Đề nghị các bộ ngành trả lời có trách nhiệm về những vấn đề còn băn khoăn, trăn trở, lo lắng của phụ nữ cả nước.

Những vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó xử lý, giải quyết, mỗi người trên cương vị, thẩm quyền, trách nhiệm của mình phải cố gắng làm hết mình, không phải nêu ra vấn đề rồi để đấy.

Những vấn đề đã "chín," đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Theo TTXVN/Vietnam+