Bộ đội Biên phòng phối hợp địa phương làm kè biển tại xã Phú Thuận, Phú Vang

Sẵn sàng triển khai - kịp thời có mặt

Sáng 10/10, cuộc trao đổi của Trung tá Nguyễn Thái Bình, Trợ lý hải quân cứu hộ, cứu nạn, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cùng khách, bị “cắt ngang” bởi tiếng chuông điện thoại gấp gáp. Lúc đó, Thượng tá Hoàng Minh Hùng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh gọi đến, chỉ đạo công tác chuẩn bị phòng, chống sạt lở.

“Trước dự báo sẽ có mưa lớn đến ngày 17/10, Bộ Chỉ huy chỉ đạo các đơn vị trên hai tuyến biên giới sẵn sàng triển khai lực lượng giúp địa phương chống sạt lở, ngập lụt; hướng dẫn Nhân dân mọi biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản. Các địa phương ven biển thường bị sạt lở bờ biển, do đó các đồn biên phòng đóng trên địa bàn phải sẵn sàng triển khai lực lượng đến các điểm thấp trũng, xung yếu” - Trung tá Nguyễn Thái Bình cho biết.

Đúng như dự liệu, tình hình sóng biển lớn gây sạt lở, xâm thực vào đất liền khoảng 10-15m, kéo dài từ thôn An Dương 1 đến thôn Xuân An (xã Phú Thuận, Phú Vang) khoảng 800m; sạt lở ăn sâu từ bờ biển vào tạo “hàm ếch” khiến rừng cây phòng hộ sụp đổ. Cần phải làm kè tạm thời, khóa tại đoạn cuối kè mềm bằng gần 6 nghìn bao cát; khoảng 100 rọ đá; 100m3 đá hộc…

Ngay từ sáng sớm ngày 11/10, cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCK cảng Thuận An và Hải đội 2 đã có mặt, là lực lượng chủ lực, phối hợp với các lực lượng khác, cùng chính quyền địa phương và người dân làm kè. Gió từ biển và những hạt mưa li ti khiến không khí lành lạnh. Nhưng lưng áo quân phục vẫn ướt đẫm mồ hôi.

“Thực hiện nhiệm vụ và trách nhiệm, BĐBP luôn có mặt nơi “đầu sóng ngọn gió”, đặc biệt trước, trong và sau thiên tai, không kể khó khăn, gian khổ, để kề vai sát cánh cùng dân, khi Nhân dân cần” - Trung tá Lê Văn Huy, Đồn trưởng Đồn BPCK cảng Thuận An - người trực tiếp chỉ huy cán bộ, chiến sĩ đơn vị, “cõng” đá hộc, vác bao cát... nói.

Chấp hành chỉ đạo của Bộ Chỉ huy, các đơn vị luôn trong tinh thần, trạng thái sẵn sàng triển khai lực lượng, kịp thời có mặt tại các “điểm nóng”. Chính vì vậy, ngay sau khi hàng chục nóc nhà tại xã Vinh Xuân (Phú Vang) bị tốc mái, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Vinh Xuân và Tiểu đoàn Huấn luyện cơ động, do Trung tá Lê Khắc Giáp, Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh trực tiếp chỉ huy, đã có mặt, xung kích trong hoạt động giúp các hộ dân bị ảnh hưởng. Tương tự, cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCK Hồng Vân, Đồn Biên phòng Hương Nguyên, Đồn Biên phòng Vinh Hiền cũng đã kịp thời giúp các hộ dân trên địa bàn bị ảnh hưởng.

Chỉ đạo sâu sát, hạn chế thiệt hại

Theo Thượng tá Hoàng Minh Hùng, chủ động phòng, chống là yếu tố quan trọng để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản trước thiên tai bão lũ. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh xây dựng kế hoạch 5 năm phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, phòng, chống cháy rừng. Trong đó, hàng năm Bộ Chỉ huy đều có kế hoạch, đồng thời chỉ đạo các đơn vị triển khai xây dựng kế hoạch của đơn vị mình, phù hợp tình hình địa bàn đơn vị; có kế hoạch riêng ứng phó với từng cơn bão, lũ…

Trước cơn bão số 4 vừa qua, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã ban hành 7 công điện, 1 công văn, 1 kế hoạch tổ chức lực lượng, phương tiện triển khai phòng, chống ứng phó bão; thành lập 3 đoàn công tác đi đốc chiến do các chỉ huy trong Bộ Chỉ huy trực tiếp về chỉ đạo tại các đơn vị và địa bàn phụ trách; thành lập 2 sở chỉ huy tiền phương để chỉ đạo các đơn vị trên hai tuyến biên phòng, ứng phó với bão.

“Đồng thời với ráo riết chỉ đạo công tác kiểm tra việc neo đậu tàu, thuyền tại các cảng cá, âu thuyền, bến neo đậu, các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản; tuyệt đối không để người ở lại trên các lồng bè, tàu thuyền, trong các lán trại, công trình đang xây dựng, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chỉ đạo các đồn biên phòng tuyến biển tổ chức bắn pháo hiệu báo bão, kêu gọi tàu thuyền vào bờ. Các đơn vị tổ chức bắn pháo hiệu vào buổi sáng, buổi tối và tăng cường số lượng bắn cho đến lúc bão đổ bộ.

Từ sự chỉ đạo sâu sát của Bộ Chỉ huy, các đơn vị trên hai tuyến biên giới đã chủ động triển khai, tham mưu và phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức chằng chống nhà cửa, di dời người dân ở vùng nguy hiểm, đặc biệt là những gia đình neo đơn, già yếu đến nơi an toàn; đưa phương tiện tàu thuyền bãi ngang của ngư dân lên cao. Sự chung tay, phối hợp của lực lượng BĐBP với chính quyền địa phương các cấp, chủ động phòng, chống hiệu quả nên trong cơn bão số 4 vừa qua và trong trận mưa lũ lớn vừa qua (cuối tháng 3 đầu tháng 4/2022), thiệt hại đã hạn chế, đến mức thấp nhất. Trên các khu vực biên giới không có người thiệt mạng do lũ, bão...

Xin được lấy chia sẻ đầy cảm xúc của ngư dân Trần Văn Phiệt (xã Phú Thuận, Phú Vang) thay cho lời kết: Trong thiên tai, BĐBP luôn là những người kề vai sát cánh cùng dân. Các anh là “điểm tựa” vững chắc khi giúp dân phòng, chống; giúp dân khắc phục thiệt hại sau bão lũ, để người dân sớm được ổn định cuộc sống.

Triển khai ứng phó bão số 4, lực lượng BĐBP đã kêu gọi 2.062 phương tiện/11.350 lao động vào bờ neo đậu an toàn; phối hợp giúp dân di dời tại chỗ 478 hộ/1.1197 khẩu sang nhà kiên cố; 1.555 hộ/5.406 khẩu đến khu vực tập trung; chằng chống 146 nhà…

Bài, ảnh: Quỳnh Anh