Lãnh đạo TX. Hương Thủy thăm, động viên, hỗ trợ người dân 

Bí thư Thị ủy Lê Ngọc Sơn thăm hỏi, trao quà cho gia đình ông Đặng Anh Tuấn có vợ vừa mất do đột quỵ. Ảnh: Võ Nhân 

Sáng 16/10, lãnh đạo TX. Hương Thủy đến thăm, động viên và trao quà hỗ trợ người dân các địa bàn bị nước lũ chia cắt tại 2 xã  Thủy Thanh và Thủy Tân. Tại xã Thủy Thanh, ngoài hỗ trợ mì tôm để địa phương chủ động cứu trợ cho người dân các khu vực bị ngập nặng, Bí thư Thị ủy Lê Ngọc Sơn đã đến thăm hỏi, động viên và trao hỗ trợ 1 triệu đồng cùng 2 suất quà cho gia đình ông Đặng Anh Tuấn (thôn Thanh Thủy), có vợ vừa mất sáng 16/10 do đột quỵ.

Đến thăm và trao hỗ trợ mì ôm cho các hộ dân ở thôn Hòa Phong, xã Thủy Tân - nơi bị chia cắt hoàn toàn do nước còn ngập sâu từ 1-1,5m, Phó Bí Thư Thường trực Thị ủy, Chủ tịch HĐND TX. Hương Thủy Đỗ Xuân Giao và Chủ tịch UBND TX. Hương Thủy Nguyễn Thanh Minh đề nghị trước mắt, TX. Hương Thủy hỗ trợ  102 hộ của thôn Hòa Phong mỗi hộ 1 thùng mì tôm. Tính đến 12h ngày 16/10, nhiều tuyến đường trên địa bàn TX. Hương Thủy vẫn ngập từ 0,2-1,5m, trong đó, ngập sâu nhất tại các xã, phường: Thủy Thanh, Thủy Dương, Thủy Tân.

Quảng Điền thiệt hại nặng về hoa màu, thủy sản 

Đến trưa 16/10, trên địa bàn huyện Quảng Điền nước xuống rất chậm, nhiều nơi hiện vẫn chia cắt. Hầu hết tuyến đường liên xã và các tuyến đường nội thôn các vùng thấp trũng các xã: Quảng Phú, Quảng Vinh, Quảng Thọ, Quảng Phước, Quảng An, Quảng Thành, thị trấn Sịa bị ngập sâu từ 20 - 120 cm; giao thông chia cắt. Có trên  2.000 nhà  ngập sâu từ 10 - 40cm. Các địa phương và các ngành liên quan tiếp tục tổ chức rào chắn, cử lực lượng ứng trực tại các đoạn đường ngập sâu, nước chảy xiết để quản lý người và phương tiện lưu thông. Lũ làm 1 người chết, thiệt hại các vùng rau màu tập trung vụ Đông với diện tích khoảng 120ha; 1.000 chậu cà chua, 500 chậu dưa leo mô hình công nghệ cao đang cho hoa bị ngập sâu ở xã Quảng Thọ. Lũ cũng làm trôi 2 lồng cá trắm cỏ tại xã Quảng Thọ với trọng lượng khoảng 6 tạ; cá diêu hồng nuôi bè trên sông Bồ xã Quảng Phú chết rải rác gần 4.000kg.

Nhiều xã ở huyện Phong Điền còn ngập sâu 

Sáng 16/10, nước lũ trên các ông ở Phong Điền xuống chậm, nhiều địa phương vẫn còn ở ngập mức cao, như Phong Bình, còn ngập khoảng 970 hộ (tỷ lệ ngập từ 0,2 – 0,5 m trên 50%, khoảng 200 hộ ngập trên 0,5 m) trong đó, có khoảng 60 hộ ở thôn Tân Bình ngập trên 1 m.

Chiều 16/10,  xã Phong Thu còn ngập sâu trong nước. Ảnh Công Ty                           

Xã Phong Chương, số nhà bị ngập là 390 nhà,  xã Phong Thu số nhà còn bị ngập khoảng 300 hộ, giảm khoảng 320, mức độ ngập từ 0,3 - 1,5 m. Đường giao thông trên toàn xã bị ngập hoàn toàn, có đoạn ngập sâu 2 m.

Trên Tỉnh lộ 17 đoạn thị trấn Phong Điền ngập khoảng 0,8-1,2 m. Trên Tỉnh lộ 6 ngập 1 - 1,5m. Số hộ tại thị trấn còn ngập 296 hộ, tập trung vùng Vĩnh Nguyên và Trạch Tả, giảm 205 hộ so với hôm qua.

Tại khu vực Ngũ Điền, nước lại đang có xu hướng lên với tốc độ chậm. Tại xã Điền Lộc tổng số hộ bị ngập là 70 hộ. Xã đã di dời 40 hộ với 70 khẩu đến nơi an toàn. Quốc lộ 49b đi qua xã bị ngập chiều dài 1,8 km, đoạn ngập sâu nhất là 0,7m; Tỉnh lộ 8c từ Điền Lộc - Phong Chương ngập sâu nhất 0,8m. Tại xã Điền Hòa, nước lũ đã ngập toàn tuyến Quốc lộ 49B. 6,25 ha hoa màu bị ngập. Tại xã Điền Hương nước cũng ngập toàn tuyến Quốc lộ 49B, đoạn sâu nhất 1,6 m, 29 hộ bị ngập. Khu vực các xã vùng núi Phong Điền, trên Tỉnh lộ 11B đoạn qua xã Phong Sơn còn 3 đoạn bị ngập, đoạn sâu nhất tại cầu Ông Vàng ngập sâu 1,5 m. Các tuyến đường liên thôn ngập trên 90%, hiện nay có 206 hộ bị ngập.

24/35 trường học ở Hương Trà chưa có kế hoạch cho học sinh đến trường 

Đến chiều 16/10, trừ các xã miền núi, hầu hết các xã, phường trên địa bàn thị xã Hương Trà như Hương Xuân, Hương Toàn, Hương Vân, Hương Văn, Hương Chữ đều còn ngập lũ. Trên địa bàn hiện chỉ có 2 trường mầm non ở xã miền núi Bình Tiến thông báo cho học sinh đến trường vào ngày mai 17/10, 24/35 trường học ở các cấp vẫn chưa có kế hoạch cho học sinh đến trường do ảnh hưởng mưa lũ; 8/35 trường còn ngập lụt.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Hương Trà Nguyễn Thị Huy thông tin, các trường miền núi (Bình Thành, Bình Tiến, Hương Bình) dù không ảnh hưởng lũ lụt nhưng do tuyến QL49 (đoạn đèo Kim Quy) đang sạt lở nặng, chưa thông tuyến và đa phần giáo viên ở thành phố hoặc các xã, phường đồng bằng chưa thể lên dạy nên chưa có kế hoạch đi học vào ngày mai. Ngoài ra, kế hoạch tổ chức học online cho học sinh của các trường cũng khó triển khai vì mất điện diện rộng.

Ngày 16/10, UBND thị xã Hương Trà có công văn yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, phường bố trí lực lượng hỗ trợ dọn dẹp vệ sinh các trường học trên địa bàn sau khi nước rút để tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy và học của giáo viên và học sinh. Đến chiều 16/10, trên địa bàn thị xã Hương Trà vẫn còn 5 xã, phường ngập lụt sâu từ 0,4 - 0,8m: Hương Chữ, Hương Xuân, Hương Toàn, Hương Văn, Hương Vân; với số nhà ngập 2.550 hộ. Trước đó, địa phương đã di dời 159 hộ/457 khẩu ở các khu vực xung yếu, vùng ngập sâu đến nơi an toàn do mưa lũ.

Phú Lộc: Hơn 780 hộ dân tránh trú mưa lũ đã về nhà an toàn 

Đến thời điểm này, hơn 780 hộ dân, với gần 2.150 khẩu di dời tránh trú mưa lũ ở Phú Lộc đã trở về nhà an toàn, chỉ còn các hộ thuộc khu vực nguy cơ sạt lở đất, một số hộ neo đơn, già yếu và các đối tượng dễ bị tổn thương tiếp tục ở lại các khu an toàn để tiếp tục phòng tránh trong những ngày tới. Hiện, Ban CHQS huyện, Công an huyện, các đồn biên phòng, ngành y tế và các địa phương đang dốc toàn lực lượng để kịp thời khắc phục thiệt hại sau thiên tai.

 Ra quân dọn vệ sinh sau lũ trên địa bàn Phú Lộc. Ảnh: Bá TRí                                             

Ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT, Phó Trưởng ban PCTT-TKCN huyện Phú Lộc cho biết, địa phương đã huy động 46 ô tô từ 4-16 chỗ, 21 ô tô 24 - 30 chỗ, 77 ô tô tải, 3 xe cẩu, 12 xe múc, 54 thuyền máy nhằm đáp ứng công tác di dân và ứng cứu, khắc phục trong thiên tai. Để kịp thời ứng phó với tình hình mưa bão sắp tới, nhất là cơn bão số 6 đang mạnh dần trên biển Đông, Phòng tài chính - kế hoạch tổ chức dự trữ gần 30 tấn gạo, 2.000 thùng mỳ ăn liền tại các kho quầy đại lý; mỗi xã, thị trấn dự trữ tại chỗ gần 10 tán gạo, 220 thùng mỳ gói, 2.000 lít nước uống và 1.000 lít xăng dầu. Các địa phương cũng đã vận động người dân dự trữ lương thực đảm bảo trong 7 ngày khi mưa bão xảy ra.

Theo Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc Phan Công Mẫn, hiện tại các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn huyện tổ chức vận động các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, nhà hảo tâm... chung tay hỗ trợ khắc phục hậu quả đợt mưa lũ, động viên, thăm hỏi các gia đình bị thiệt hại; hỗ trợ nhân dân dọn dẹp nhà cửa, thu gom cây cối ngã đổ, xứ lý môi trường, sửa chữa cơ sở hạ tầng, đồng thời chuẩn bị các điều kiện thiết yếu trong sinh hoạt, sản xuất kinh doanh để người dân sớm ổn định lại cuộc sống.

                                                                                                    Nhóm PV