Di dời dân trong đêm
Vụ sạt lở đất đá lấp hoàn toàn căn nhà của hộ bà Nguyễn Thị Đào, ở thôn Trung Phước Tượng, xã Lộc Trì trong đêm 14/10 làm rúng động người dân địa phương.
Rất may, sự cố không gây thiệt hại về người vì chỉ cách đó vài giờ đồng hồ, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra và kịp thời vận động, tổ chức di dời các thành viên trong gia đình đến nơi trú ẩn an toàn. Hiện hộ bà Đào đã được đưa về sinh sống với gia đình con trai của bà ở cùng thôn. Chính quyền địa phương cũng đã huy động các ban, ngành, đoàn thể... thăm hỏi, động viên, hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất.
Đến bây giờ bà Đào vẫn chưa hết bàng hoàng, xót xa về căn nhà, các vật dụng bà chắt chiu gần cả đời người mới có được, chỉ còn lại là đống xà bần. “Mất hết rồi mấy chú ơi nhưng nghĩ lại vẫn còn may thay, nếu như chúng tôi không được di dời thì bây giờ mạng sống của chúng tôi cũng không còn nữa", bà Đào nói.
Những căn nhà ở xã Lộc Trì (Phú Lộc) có nguy cơ cao bị sạt lở vùi lấp
Chủ tịch UBND xã Lộc Trì, ông Cái Trọng Như cho biết, để đảm bảo không xảy ra thiệt hại về người, lực lượng chức năng của địa phương đã tiến hành rà soát kỹ lưỡng, kịp thời tiến hành di dời người dân ở các khu vực xung yếu, nguy cơ sạt đến nơi trú ẩn an toàn; thậm chí lên phương án cưỡng chế nếu người dân không chấp hành.
Cũng theo ông Cái Trọng Như, để tiếp tục chủ động ứng phó với tình hình cơn bão số 6 sắp tới, đối với sự an nguy của các hộ trong vùng này, lực lượng chức năng địa phương đang tổ chức ứng trực sẵn sàng di dời người và tài sản của các hộ này đến nơi an toàn khi có mưa lớn tiếp tục xảy ra. Về lâu dài, địa phương sẽ khảo sát đối với tất cả các hộ trong khu vực để lập phương án trình các cấp tiến hành di dời tái định cư cho người dân nhằm đảm bảo an toàn trong mưa bão hằng năm.
Kiểm soát, phát hiện, ứng cứu
Thôn La Sơn, xã Lộc Sơn là địa bàn không thuộc vùng xung yếu thấp trũng, có nguy cơ sạt lở nên các hộ dân ở đây không nằm trong phương án di dời trong bão lũ. Tuy nhiên, khi trong đêm tối mưa lớn nước dâng lên bất ngờ, lực lượng Công an và dân quân xã Lộc Sơn đã tổ chức thành các đội tuần tra tại các điểm xung yếu mới phát sinh. Qua đó, khi tiếp cận đã phát hiện hộ bà Bạch Thị Điểm, sống neo đơn ở thôn La Sơn, do nước dâng nhanh nên không thể rời khỏi nơi ở được, các đoạn đường đến nhà bà đều bị cô lập, nước ngập quá đầu người. Tổ tuần tra công an xã đã men theo hàng rào các nhà lân cận, tiếp cận nhà bà Điểm, kịp thời ứng cứu đưa bà đến nơi trú ẩn an toàn.
Công an Phú Lộc tiếp cận, ứng cứu hộ bà Bạch Thị Điểm trong đêm 15/10
Ở một hướng khác, Tổ tuần tra nhận được tin báo hộ ông Bạch Thân (SN 1962), bị bại liệt toàn thân, gia đình 3 người đang bị nước cô lập do đường đi nước chảy mạnh. Khoảng cách từ nhà ông Thân đến vùng an toàn khoảng hơn 600m. Ngay lập tức Tổ tuần tra Công an xã Lộc Sơn đã men theo vườn cây các gia đình, tiếp cận được hộ ông Bạch Thân.
Theo Thiếu tá Phạm Hoàng Bảo Lộc, Phó Trưởng Công an xã Lộc Sơn, lúc đến nơi, ông Thân cùng vợ và con đang nằm trên gác bếp, nước đã mấp mé người. Do ông Thân bị bại liệt toàn thân nên việc đưa người đến nơi an toàn rất khó khăn. Lực lượng phải trực tiếp khiêng đến vùng an toàn.
“Trong đêm tối lâm vào hoàn cảnh bốn bề là nước, bản thân lại bị bại liệt, vợ con không biết xoay xở thế nào. Nghe thấy tiếng các anh tiến đến, chúng tôi không cầm được nước mắt. Thấy các anh trằm mình dưới nước ngang mép cổ gồng mình để khiêng chúng tôi đến nơi toàn, tôi cứ chảy nước mắt, không nói được lời nào...”, ông Thân bộc bạch.
Việc giảm thiểu thiệt hại về tài sản và không để xảy ra thiệt hại về người trong mưa bão ở Phú Lộc là do địa phương đã phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ”, nhất là đối với công tác di dân.
Theo Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc Phan Công Mẫn, UBND huyện đã phân công 3 đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện trực tiếp phụ trách, theo dõi, chỉ đạo trong công tác ứng phó và khắc phục thiệt hại trong đợt mưa lũ tại 3 khu vực với toàn bộ 17 xã, thị trấn (mỗi người phụ trách 5-6 xã). Trong đó, chú trọng công tác di dân ở vùng xung yếu, nguy cơ bị lũ quét, gây sạt lở, đồng thời không để dân đói rét trong mưa bão.
Theo đó, các lực lượng Công an và Ban Chỉ huy Quân sự huyện phối hợp với các ban, ngành chức năng và chính quyền các địa phương tổ chức phương án phòng tránh mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”, khẩn trương di dời, sơ tán các hộ dân ở vùng nguy hiểm, các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất ven sườn núi, vùng sạt lở ven biển và đầm phá, ven sông suối, vùng thấp trũng hạ du Hồ Truồi, Hồ chứa nước Thủy Yên đến nơi an toàn gồm 798 hộ, với 2.235 khẩu. Cụ thể, sơ tán tại chỗ hơn 760 hộ, với gần 2.000 khẩu; di dời đến các khu vực tập trung gần 20 hộ, gần 90 khẩu, nhất là đối với 14 hộ bị đe dọa sạt lở đất tại Phú Gia, xã Lộc Tiến. Đến ngày 16/10, hơn 780 hộ dân, với gần 2.150 khẩu di dời tránh trú mưa lũ đã trở về nhà an toàn.
Ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT, Phó Trưởng ban PCTT-TKCN huyện Phú Lộc cho biết thêm, địa phương đã huy động 46 ô tô từ 4-16 chỗ, 21 ô tô 24 - 30 chỗ, 77 ô tô tải, 3 xe cẩu, 12 xe múc, 54 thuyền máy nhằm đáp ứng công tác di dân và ứng cứu, khắc phục trong thiên tai.
Bài, ảnh: Bá Trí