Nữ bệnh nhân tiếp tục được theo dõi sức khỏe tại Trung tâm Y tế Phong Điền. Ảnh: TTYT Phong Điền

Bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm trùng đường mật và đã được xử trí hồi sức, chuyền dịch hạ sốt…Sau hơn 6 giờ chăm sóc theo dõi, sức khỏe nữ bệnh nhân đã ổn định.

TTYT Phong Điền phối hợp với Ban chỉ huy phòng chống bão lụt các xã, dùng đò máy vận chuyển bệnh nhân qua các đoạn đường ngập lụt để xe cấp cứu TTYT tiếp cận, đưa bệnh nhân vào điều trị kịp thời.

Trước đó, Trung tâm Y tế TX. Hương Thủy đã cấp cứu một bệnh nhân lên cơn suy tim đột ngột tại địa bàn. Trạm y tế Phú Thượng đã (TP. Huế) hỗ trợ xử lý một một ca sinh thường an toàn. BS Võ Thị Thùy Trang, Trưởng trạm y tế Phú Thượng cho biết: “Sản phụ Trương Thị D. (SN1999), người Phú Thuận (Phú Vang) đang ở trọ tại Phú Thượng. Sản phụ vào trạm tử cung đã mở 6 phân. Do tiết trời mưa lớn, nước dâng, ê kíp và nữ hộ sinh đã đỡ thành công ca sinh thường này. Em bé chào đời nặng 3,2 kg, bú sữa mẹ tốt".

"Vì ở vùng thấp trũng nên trạm phân công lực lượng ứng trực tại chỗ nhiều hơn nhằm hỗ trợ nhau. Trạm thường xuyên gặp các tình huống cấp cứu, sinh nở... mùa mưa lũ nên đã có kinh nghiệm trong xử lý tình huống. May mắn là sản phụ mẹ tròn con vuông, không phải chuyển tuyến lên trên", BS Trang nói thêm. 

Trong đợt mưa lũ từ ngày 14/10, theo chỉ đạo của Sở y tế, các đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị phòng hộ, thuốc men cấp cứu và điều trị… Theo đó, đã tổ chức trực cấp cứu 24/24 giờ, các TTYT huyện/thị xã/thành phố Huế chủ động thành lập các tổ cấp cứu lưu động cho những vùng bị chia cắt. Xây dựng phương án phối hợp với ban phòng chống bão lụt địa phương và các lực lượng tại chỗ trong trường hợp cần thiết vận chuyển bệnh nhân.

Tại TP. Huế, hiện còn một số trạm y tế còn ngập nhẹ ở các địa bàn Phú Mậu, Xuân Phú, Vĩ Dạ, Thuận Thành, Hương Long; các vùng thấp trũng Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang… nước đang hạ dần. Các phòng và đơn vị chuyên môn của Sở Y tế cử lực lượng trực tiếp về các đơn vị khắc phục hậu quả lũ lụt.

Linh Tuệ