Khắc phục giao thông trên tuyến Quốc lộ 1 qua hầm Hải Vân

Đảm bảo giao thông vùng trọng điểm

Ảnh hưởng mưa lớn vừa qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện 37 điểm sạt lở đường giao thông, xâm thực biển tập trung nhiều nhất ở huyện Phú Lộc, A Lưới, Nam Đông. Các địa phương, ngành giao thông đang tích cực phối hợp xử lý, thu dọn và gia cố bờ biển nhằm đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến.

Ông Ngô Văn Đoán, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ II.5 (Bộ GTVT) cho biết, đã phối hợp Công ty CP Quản lý và Xây dựng Đường bộ Thừa Thiên Huế huy động nhân lực, máy móc khắc phục các tuyến giao thông trọng điểm ảnh hưởng do mưa lũ, sớm thông tuyến trở lại.

Hiện nay, Công ty CP Quản lý và Xây dựng Đường bộ Thừa Thiên Huế đang bố trí phương tiện, nhân lực tăng ca tiến hành thu dọn, giải phóng hết khối lượng đất đá sạt lở trên các tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 49, Quốc lộ 49B nhằm đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến.

Tại tuyến Quốc lộ 49B qua xã Lộc Bình (Phú Lộc) bị sạt lở, Công ty CP đường bộ 1 tỉnh cũng đã khắc phục xong. Trên địa bàn huyện Nam Đông cũng có 4 điểm sạt lở tại đèo Ka Tư và đường liên thôn Phú Nam, Đa Phú, xã Hương Phú với khoảng 100m3 đất đá, chiều dài khoảng 600m, đang tiến hành hốt dọn đất đá, dự kiến thông xe trong thời gian sớm nhất.

Ngoài ra, bờ biển qua các xã Giang Hải, Vinh Mỹ, Vinh Hiền (Phú Lộc) bị xâm thực, xói lở với tổng chiều dài 1,4km, hiện các địa phương phối hợp lực lượng chức năng gia cố tạm thời, ngăn sạt lở thêm.

Giảm đỉnh lũ cho hạ du

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đánh giá, trong những ngày qua, các hồ thủy điện, thủy lợi đã vận hành với lưu lượng xả luôn nhỏ hơn lưu lượng đến hồ nên đã cắt, giảm đỉnh lũ cho vùng hạ du và chuẩn bị ứng phó đợt không khí lạnh và bão sắp đến.

Cụ thể, các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đã chủ động vận hành điều tiết xả nước, bảo đảm an toàn hồ chứa và cắt giảm đỉnh lũ cho vùng hạ du, đỉnh điểm từ 2- 8 giờ ngày 15/10, lượng nước về hồ Tả Trạch, Hương Điền, Bình Điền rất lớn, từ 6.000-8.100m3/s, nhưng chỉ điều tiết xả về hạ du từ 1.500-4.200m3/s.

Mực nước các sông đều trên báo động 3, tiệm cận đỉnh lũ năm 2020, ngập lụt diện rộng (lúc 8 giờ ngày 15/10/2022, mực nước sông Hương đạt đỉnh +4,0m, trên báo động III 0,5m; lúc 9 giờ sáng 15/10, mực nước sông Bồ đạt đỉnh +5,0m trên báo động III 0,5m).

Ông Đặng Văn Hòa, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh khẳng định, những đợt mưa trước (ảnh hưởng của hoàn lưu bão Noru) các hồ đã tham gia cắt, giảm đỉnh lũ nên mực nước hồ đã dâng cao. Trước trận lũ này, đơn vị này đã ban hành các lệnh vận hành chỉ đạo các chủ đập vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện tăng cường phát điện, xả tràn để đưa nước về mực nước đón lũ, tăng dung tích phòng lũ, góp phần giảm lũ cho vùng hạ du.

Hiện nay các hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh đang vận hành đảm bảo an toàn.

Không chủ quan sau mưa lũ

Tính đến chiều 16/10, mực nước trên các sông vẫn còn cao, nhiều địa phương vẫn bị ngập, chia cắt. Do vậy, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu các địa phương tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, rà soát chủ động sơ tán dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, phòng chống ngập úng đô thị.

Bố trí lực lượng kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết, không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người. Đồng thời, tổ chức khắc phục hậu quả thiên tai nhanh chóng, xử lý vệ sinh, môi trường phòng, chống dịch bệnh có thể xảy ra.

Ông Đặng Văn Hòa cảnh báo, nguy cơ tai nạn đuối nước trước, trong và sau lũ rất cao nếu người dân chủ quan, lơ là. Nước lũ trên các sông, suối hiện vẫn còn cao, chảy xiết, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Dự báo thời tiết, mưa lũ trong những ngày đến vẫn còn diễn biến phức tạp, vì vậy các địa phương, ban ngành và Nhân dân cần triển khai nghiêm túc, quyết liệt phương châm “tự quản tại chỗ” theo quy định của tỉnh để bảo vệ an toàn tính mạng. Trong đó, yêu cầu người dân không đi lại, chèo xuồng, bủa lưới trên sông, đầm phá khi nước lũ dâng cao, chảy xiết.

Mỗi khu, cụm dân cư, mỗi hộ gia đình phải tự quản lý, nhắc nhở lẫn nhau tạm dừng mọi hoạt động đi lại, sản xuất trên sông, đầm phá khi lũ lớn. Các lực lượng sử dụng phương tiện công suất lớn, an toàn thường xuyên tổ chức tuần tra trên các sông, đầm phá nhằm sớm phát hiện, nhắc nhở người dân kịp thời trở về nơi trú ẩn an toàn. Các địa phương miền núi Nam Đông, A Lưới… cần tuyên truyền, ngăn chặn người dân vào rừng sản xuất khi mưa to, gió lớn có nguy cơ sạt lở đất, lở núi đe dọa tính mạng.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN - HẢI TRIỀU