Nhân rộng mô hình trường học hạnh phúc giúp học sinh tiến bộ

Ngay khi năm học 2022-2023 bắt đầu, các vụ bạo lực liên quan đến học trò liên tục xảy ra. Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân sâu xa vẫn là hoàn cảnh gia đình, học sinh có tâm lý lứa tuổi mới lớn, dễ đi theo bạn bè. Nhất là thời gian gần đây, mạng xã hội facebook, tiktok phát triển như vũ bão, thế nên, cũng có lý do rất ngớ ngẩn trong khi có em muốn đăng tải hình ảnh, clip đánh nhau chỉ để... thể hiện mình. Trò chuyện với nhiều giáo viên chủ nhiệm, tôi nhận ra bạo lực học đường thường do một số học sinh không hạnh phúc gây ra, khi các em có môi trường hoặc hoàn cảnh gia đình không tốt. Thế nên, đã đến lúc trường học không phải chỉ là nơi giáo viên dạy về kiến thức văn hóa, mà còn dạy các em về đạo đức làm người, có lối sống lành mạnh, tích cực, biết quan tâm chia sẻ và giúp đỡ mọi người.

Huế được chọn triển khai thí điểm dự án “Trường học hạnh phúc ở Việt Nam” có giá trị 215.000 USD. Giáo sư Hà Vĩnh Thọ, Chủ tịch Học viện Eurasia về Hạnh phúc và An sinh, người viết giáo trình Trường học hạnh phúc ở Việt Nam kể, cơ duyên ông chọn Huế do gia đình nội ông ở nơi này. Ông hoạt động ở Huế hơn 20 năm và có mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền địa phương giúp ông dễ dàng tạo thí điểm dự án ở Huế. Với dự án này sẽ đào tạo giáo viên dựa trên một khung lý thuyết và các phương pháp thực hành rõ ràng, nhằm giúp giáo viên và học sinh (từ lớp 1 đến 12) cách tiếp cận mới xây dựng trường học hạnh phúc. Trong hành trình tìm kiếm những cách thức và giải pháp để giảm bớt áp lực trong nhà trường thì đây sẽ là phương pháp hỗ trợ giải quyết vấn đề bạo lực học đường.

Tại buổi gặp gỡ với các trường nằm trong khuôn khổ dự án, giáo sư Hà Vĩnh Thọ cho rằng, mối nguy hiểm đã hiện hữu khi những bạn trẻ đang lớn lên trong thời đại của internet và mạng xã hội. Phải hiểu rằng hạnh phúc của mỗi người đi liền với hạnh phúc của người khác, của xã hội và của lợi ích chung. Do đó, trường học hạnh phúc nên chú trọng nhiều đến các giá trị đạo đức”.

GS Thọ cũng đưa ra giải pháp khác, đó là nhà trường có thể tập huấn, hỗ trợ, xây dựng những đội ngũ học sinh là người hòa giải khi xảy ra bạo lực học đường…“Bạo lực học đường không diễn ra ở tầm một cá nhân mà mang tính hệ thống… Vậy nên, việc chúng ta tạo ra một hệ sinh thái hạnh phúc đó là học sinh, giáo viên, nhà trường quản lý nhà trường và cả chính quyền nữa là cách duy nhất để có thể giải quyết gốc rễ vấn đề. Và các thầy cô là hạt giống của hệ sinh thái đó", GS Thọ nhấn mạnh.

Nhớ cách đây không lâu, tại một diễn đàn dành cho các trường tham gia dự án Trường học hạnh phúc, em T T H. học sinh Trường THPT Cao Thắng, TP. Huế kể, trước đây, em khó chia sẻ với gia đình, ở trường lại có ít bạn nên rất tò mò để tìm hiểu thế giới bên ngoài. Thế nên, em gặp gỡ các bạn qua mạng xã hội để nói chuyện. Ban đầu, em cảm thấy rất thích thú, nhưng sau đó thì thấy mệt mỏi khi nạp nhiều thông tin mang tính bạo lực, kéo theo suy nghĩ tiêu cực. “Khi tham gia ngôi trường hạnh phúc, em thực hiện hai công việc chính đó là lắng nghe bản thân mình và thực hiện lòng biết ơn. Để thực hiện lòng biết ơn, mỗi ngày em viết 10 điều biết ơn. Em cảm thấy mình thay đổi, không còn giận giữ, làm tổn thương người khác khi có chuyện không vui. Bây giờ, em thoải mái chia sẻ với mọi người... Cũng theo H, khi tham gia ngôi trường hạnh phúc không chỉ tâm lý bản thân tốt hơn mà học tập của em cũng được cải thiện.

Theo cô Đinh Thị Hồng Vân, giảng viên Khoa Tâm lý, Trường ĐH Sư phạm – ĐH Huế, trường học hạnh phúc không phải điều gì đó trừu tượng mà là những thứ rất quen thuộc, cụ thể. Đó là xây dựng mối quan hệ, sự hài lòng trong mối quan hệ của bản thân đối với người khác. Chúng ta không bắt buộc phải làm tất cả cùng một lúc, mà hãy bắt đầu những cái thoải mái, tự tin nhất. Để lan tỏa trường học hạnh phúc, nữ giảng viên chia sẻ, cần tạo được môi trường an toàn bằng hệ sinh thái. Ví dụ như hàng tháng, các thầy cô có thể chia sẻ những điều đã làm được hoặc khó khăn đang gặp phải. Từ đó, các thầy cô hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Chúng ta cần nhận được sự tôn trọng, sự lắng nghe và sự thấu hiểu.

Trường học hạnh phúc, trong đó, có chương trình đào tạo dành cho giáo viên nhằm trang bị sự hiểu biết, kiến thức và kỹ năng giúp họ chú ý và chăm sóc sự hạnh phúc và sức khỏe của tất cả học sinh. Nói một cách dễ hiểu, chỉ khi học sinh cảm thấy an toàn về cảm xúc, được xã hội chấp nhận và hòa nhập các em mới có thể phát huy tiềm năng của mình, học hỏi và phát triển toàn diện. Và hy vọng tình trạng bạo lực học đường sẽ được đẩy lùi.

Bài, ảnh: An Nhiên