Việt Nam hiện đang là thị trường tiềm năng của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh minh họa: VTV.vn

Cùng lúc, nhiều chuyên gia khác giải thích rằng đây là dấu hiệu cho thấy năng lực sản xuất ngày càng sâu rộng của Việt Nam, được xây dựng dựa trên chương trình đổi mới nổi tiếng năm 1986 của đất nước. Các cuộc cải cách đã tìm cách tái hội nhập đất nước vào nền kinh tế toàn cầu. Quan trọng hơn là việc thành lập các sàn giao dịch chứng khoán, thúc đẩy quyền sở hữu tư nhân và khuyến khích quan hệ đối tác công tư.

Được biết, từ thời Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye (2013 – 2017) đã triển khai vận động mạnh mẽ để củng cố mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn giữa Seoul và Hà Nội. Một trong những cách nổi bật nhất mà bà thực hiện là mời các chaebol (các tập đoàn kinh doanh lớn do gia đình sở hữu) đầu tư vào Việt Nam.

Hiện nay, bất kỳ du khách nào khi dạo quanh Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh đều sẽ khó lòng bỏ qua sự hiện diện khắp nơi của các chaelbol này, từ các thương hiệu điện tử tiêu dùng như Samsung, đến các đại gia bán lẻ như tòa nhà của Tập đoàn Lotte.

Nhìn chung, môi trường kinh doanh đã được cải thiện trong suốt thập kỷ qua. Việt Nam đã tiến lên trong Bảng xếp hạng Mức độ Dễ dàng Kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB), cụ thể là từ hạng 98 năm 2012 lên hạng 70 vào năm 2020, vượt qua nhiều nền kinh tế đang phát triển khác, vốn cũng đang khao khát thu hút đầu tư nước ngoài.

Một trong những biểu hiện cụ thể nhất cho sự thành công của Việt Nam là các khu công nghiệp, với sự đầu tư mạnh của các nhà đầu tư nước ngoài. Để đổi lấy cơ sở hạ tầng cứng và mềm, được cung cấp trong các khu công nghiệp này, các tập đoàn xuyên quốc gia nước ngoài thiết lập sự hiện diện của mình tại địa phương và tạo ra các tác động bên ngoài tích cực để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa hướng tới xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh những lợi ích, nhìn chung, vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Các nhà kinh tế từ lâu đã thúc giục một giai đoạn cải thiện kinh tế mới, lấy cảm hứng từ công cuộc đổi mới. Tuy có một số bước phát triển tích cực, nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn chậm lại, đặc biệt là trong những năm gần đây. Do đó, cần tập trung đổi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất của Việt Nam.

Một thành phần chính của công cuộc đổi mới này sẽ liên quan đến việc tái cơ cấu một cách mạnh mẽ hơn các doanh nghiệp nhà nước. Là một phần của cội nguồn xã hội chủ nghĩa của Việt Nam, các doanh nghiệp nhà nước được kỳ vọng sẽ dần đầu nỗ lực công nghiệp hóa của đất nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực chiến lược.

Dù vậy, bất chấp nhiều đợt cải cách hành chính, nhiều doanh nghiệp nhà nước vẫn gặp khó khăn do kém hiệu quả, quản lý chưa tốt và hoạt động xuất khẩu kém. Doanh thu xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu do các nhà đầu tư nước ngoài nắm bắt. Vào đầu năm 2021, 76,3% xuất khẩu được điều phối bởi các tập đoàn xuyên quốc gia. Các nhóm doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm 23,7% kim ngạch xuất khẩu.

Như thường thấy ở các nền kinh tế đang chuyển đổi, tăng trưởng sâu hơn và bền vững hơn phụ thuộc vào việc chính phủ có thể tái tổ chức các doanh nghiệp nhà nước một cách ý nghĩa như thế nào để đối mặt với các thách thức của toàn cầu. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Ngoài ra, cũng cần triển khai các chính sách liên quan để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam

Việt Nam nên tìm hiểu các chương trình hỗ trợ được thiết kế để tích hợp tốt hơn các doanh nghiệp này vào mạng lưới sản xuất của các doanh nghiệp nhà nước và các tập đoàn xuyên quốc gia nước ngoài, đặc biệt là tại các thị trường xuất khẩu.

Thách thức hiện nay là hình thành sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các công ty nước ngoài và địa phương trong các ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu khác. Việc nhắm mục tiêu xuất khẩu đã kích thích sự học hỏi của tổ chức và các mối liên kết công nghệ rộng rãi hơn trong thế hệ các nền kinh tế đi sau.

Giới chuyên gia nhận định, các nền kinh tế vừa và nhỏ như Việt Nam cần hoạch định chính sách dài hạn, hướng tới việc có được bí quyết sản phẩm và quy trình, cả hai đều rất quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Kinh nghiệm cũng có thể cung cấp bài học cho các quốc gia Đông Nam Á khác đang cố gắng thực hiện các chính sách tương thích với điều kiện kinh tế - xã hội, cùng lúc quản lý tác động từ căng thẳng địa kinh tế Mỹ - Trung.

Đan Lê (Lược dịch từ Eurasia Review)