Cần cẩn thận khi lội lụt (ảnh minh họa). Ảnh: D.Trương

Chủ động bảo vệ bản thân

Theo ghi nhận của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Thừa Thiên Huế, từ đầu năm đến giữa tháng 10, hệ thống giám sát dịch bệnh chưa ghi nhận ca bệnh Whitmore. Nhưng vậy không có nghĩa là những mối nguy hại có thể tồn tại trong nước lũ, lụt, nước tù đọng có thể giảm xuống.

Khuyến cáo của Bộ Y tế cũng cho thấy, trong và sau mưa bão, lũ lụt, sẽ có rất nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước bị khuếch tán, tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh. Những dịch bệnh thường hay gặp trong mùa mưa lũ là: tiêu chảy cấp, bệnh đường hô hấp, bệnh về mắt, bệnh ngoài da, sốt xuất huyết…

Đã 2 năm trôi qua, nhiều người dân ở xã Bắc Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) vẫn ngậm ngùi thương tiếc người cán bộ xã hết lòng giúp dân trong lũ dữ, nhưng lại không giữ được sinh mạng. Năm ấy, trong lúc giúp dân vùng lũ, anh bị thương ở khớp gối. Trong tình huống khẩn cấp, anh hoàn toàn không coi vết thương của mình là quan trọng mà tiếp tục dầm nước lũ nhiều ngày để cứu hộ, cứu đói bà con. Sau khi mưa lũ đi qua, vị cán bộ xã nhiệt huyết lên cơn sốt không đáp ứng thuốc. Tại Bệnh viện Trung ương Huế, anh được chẩn đoán bị nhiễm vi khuẩn trong nước lũ có tên là Burkholderia pseudomallei gây ra bệnh Whitmore từ vết thương ở khớp gối...

Đề phòng Whitmore

Whitmore là một trong nhưng bệnh lây nhiễm mùa mưa lụt. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (2018), bệnh Whitmore có tỷ lệ tử vong lên đến 40 - 60%, và được đưa vào danh sách các bệnh lý nguy hiểm hàng đầu. Bệnh gây hoại tử nhiều cơ quan, trong đó có da và làm suy yếu hệ miễn dịch nhanh chóng.

Theo TS. BS. Nguyễn Đức Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, các dấu hiệu nhận biết bệnh Whitmore khác nhau tùy thuộc vào giai đoạn bệnh. Nhìn chung, phải mất từ 2 - 4 tuần để các triệu chứng xuất hiện sau khi tiếp xúc với vi khuẩn. Ở một số trường hợp cá biệt, triệu chứng xảy ra ngay sau vài giờ hoặc có khi nhiều năm sau khi nhiễm khuẩn.

Bệnh trải qua 4 giai đoạn, gồm: Nhiễm trùng cục bộ; nhiễm trùng phổi; nhiễm trùng máu - biến chứng nghiêm trọng của bệnh Whitmore và nhiễm trùng toàn thân. Khi bệnh tiến đến giai đoạn cuối cùng, tình trạng nhiễm trùng toàn thân sẽ xảy ra, gây đau hoặc sưng ở tuyến mang tai, đau cơ, khớp, gan, phổi, lá lách, hạch bạch huyết, tuyến tiền liệt,… bị tổn thương, sốt cao, động kinh, co giật. Hiện tại, các nhà nghiên cứu đã tìm ra các loại thuốc kháng sinh đặc trị bệnh Whitmore. Vì vậy, bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm.

Whitmore có thể xảy ra với bất kỳ ai, bất kể độ tuổi hay giới tính và gặp nhiều hơn ở những người tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với đất, nước bị nhiễm khuẩn. Khuyến cáo người dân phòng bệnh Whitmore, các bác sĩ nhấn mạnh: Con đường đầu tiên và chủ yếu nhất để Burkholderia pseudomallei xâm nhập vào cơ thể là qua vùng da bị trầy xước. Do vậy, người dân đặc biệt lưu ý, hạn chế tiếp xúc với đất và nước bẩn khi không cần thiết. Nếu có bị tổn thương thì tuyệt đối không chủ quan.

ĐỒNG VĂN