Hàng hóa nông sản trước khi vào các siêu thị, trung tâm thương mại ở Huế được kiểm định chất lượng và đáp ứng các tiêu chí "sạch" của bộ, ngành chức năng. Ảnh: Võ Nhân

Băn khoăn

Dạo quanh thị trường TP. Huế hiện nay không khó bắt gặp các cửa hàng mua bán thực phẩm, nông sản sạch theo hướng hữu cơ an toàn. Tuy nhiên, xác định sản phẩm được gọi là "an toàn" cho sức khỏe thì người tiêu dùng vẫn băn khoăn.

Chị Nguyễn Thị Thu (KQH Bàu Vá, Thủy Xuân, TP. Huế) cho biết, từ thời điểm dịch COVID-19 tạm lắng, chị quan tâm nhiều hơn đến chế độ ăn uống lành mạnh cho các thành viên trong gia đình. Chị thường tìm đến các cửa hàng giới thiệu bán hàng nông sạch với nhãn mác, bao bì đẹp bắt mắt, có ghi ngày tháng sản xuất... để chọn mua. Còn để xác định tiêu chí thế nào là thực phẩm, nông sản sạch và chất lượng, với chị Thu vẫn là mơ hồ.

Chị Lê Thị Thục Chinh (hướng dẫn viên du lịch, TP. Huế) chia sẻ, gần đây người Việt Nam khá chuộng trào lưu xanh - sạch - lành; trong đó, chế độ ăn sạch được nhiều người chú trọng. Theo chị Chinh, "có cầu ắt có cung", các sản phẩm nông sản, thực phẩm sạch được trồng và bán nhiều ở các cửa hàng các tuyến phố đến trung tâm thương mại. Giá các mặt hàng đó cao hơn so với hàng cùng loại thông thường nhưng khách hàng chấp nhận bởi họ trồng theo tiêu chuẩn, quy trình, nông trại sạch. Tuy vậy, trước thông tin trên báo chí về một số doanh nghiệp cung ứng rau cho các cửa hàng nông sản sạch, chuỗi cửa hàng tiện lợi… đã nhập nhằng lấy rau từ nguồn trôi nổi để "phù phép", dán nhãn thành các loại rau sạch, rau VietGAP khiến chị và người tiêu dùng lo ngại.

Quan sát tại nhiều cửa hàng, trung tâm thương mại thị trường kinh doanh thực phẩm, nhất là các loại rau, củ, quả đạt các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, chứng chỉ VietGAP, thực phẩm hữu cơ… được dán nhãn chứng nhận tiêu chuẩn cụ thể trên bao bì sản phẩm rất tin cậy. Tuy nhiên, không phải tất cả các sản phẩm bày bán đều được nhập từ những doanh nghiệp uy tín, có mã vạch, mã số. Nhiều sản phẩm hiện nay do nhập từ cơ sở sản xuất nhỏ còn mập mờ, chưa công khai minh bạch về nguồn gốc, xuất xứ...

Tại các hội nghị về thẩm định truy xuất nguồn gốc hàng hóa, sản phẩm ở Thừa Thiên Huế, TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở KHCN cho rằng, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm sạch của người dân ngày càng lớn. Vấn đề đặt ra là các nhà cung cấp, cửa hàng kinh doanh… cần phải xây dựng bộ tiêu chí chuẩn mực về chất lượng sản phẩm, cũng như quy chuẩn về cung cấp thông tin, thương hiệu minh bạch để hỗ trợ người tiêu dùng chọn lựa, xác định "sản phẩm sạch", chất lượng để tin dùng. Ngược lại, tình trạng sản xuất nông sản chưa đạt quy chuẩn mà đầu ra vẫn gắn mác "sạch" thì đúng "vàng  thau" lẫn lộn, người tiêu dùng chẳng biết đâu mà lần.

"Chữ tín" trong sản xuất kinh doanh

Từ năm 2015, Tập đoàn Quế Lâm trở thành đối tác ở Thừa Thiên Huế trong đầu tư mở rộng sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm nông sản hữu cơ. Đến nay, Quế Lâm hợp tác chuyển giao, ứng dụng quy trình kỹ thuật, công nghệ hữu cơ vi sinh để sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp sạch cho hàng trăm tổ chức, đơn vị, hộ dân trên địa bàn.

Theo lãnh đạo Tập đoàn Quế Lâm, việc sản xuất các loại nông sản theo các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP hay sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi quá trình sản xuất khắt khe, tuân thủ các điều kiện cho phép từ khâu chọn giống, nguồn nước tưới, quản lý đất trồng, phân bón, các biện pháp phòng trừ sâu bệnh đến khâu thu hoạch, sơ chế, bảo quản sản phẩm… Do các trình tự, quy định tiêu chí nghiêm ngặt trong sản xuất đòi hỏi doanh nghiệp có tâm, tầm mới làm và thành công được. Hiện nay, Quế Lâm đã xây dựng hệ thống tiêu thụ và phát triển thị trường trên toàn quốc hướng vào các trường học, bệnh viện, nhà trẻ và các khu công nghiệp. Tại Thừa Thiên Huế, đơn vị này đã xây dựng và đi vào hoạt động 2 siêu thị nông sản hữu cơ.

Ông Nguyễn Long An, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, phát triển các chuỗi cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch bài bản, vấn đề quan trọng là xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất, cung ứng và tiêu thụ một cách căn cơ, bền vững. Qua đó, xây dựng được thương hiệu, minh bạch các thông tin về xuất xứ hàng hóa, tạo được niềm tin với người tiêu dùng.

Theo đại diện lãnh đạo siêu thị Co.opmart Huế, trong hoạt động kinh doanh đơn vị luôn chú trọng xây dựng uy tín, thương hiệu, đặt người tiêu dùng lên hàng đầu bằng việc quản lý chặt chẽ chất lượng đầu vào của sản phẩm, tuyệt đối không nhập hàng hóa, nông sản có nguồn gốc trôi nổi vào để bán ra thị trường.

Để đảm bảo các tiêu chí về chất lượng các loại nông sản sạch, sản phẩm đạt chuẩn VietGAP..., bên cạnh việc các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát về chất lượng thường xuyên, vấn đề quan trọng, căn cơ chính là việc xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng và tiêu thụ một cách bài bản, bền vững. Qua đó, chính các mắt xích, thành viên trong chuỗi sẽ kiểm tra, kiểm soát chất lượng của nhau để đảm bảo uy tín, chất lượng, giá trị sản phẩm…

Theo Sở Công thương, đơn vị thường phối hợp tuyên truyền về vai trò của ATTP tác động đến sức khỏe mỗi người như thế nào. Đồng thời, khuyến cáo người tiêu dùng thông thái lựa chọn các sản phẩm hàng hóa, thực phẩm chất lượng của các nhà sản xuất uy tín, có thương hiệu...

Bài, ảnh: Song Minh