Các biến thể COVID-19 vẫn được giám sát chặt chẽ, đại dịch COVID-19 vẫn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Ảnh minh họa: Getty Images/TTXVN/Vietnam+
Sự có mặt và lây lan của BQ.1 và BQ.1.1
Theo ước tính của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), biến thể BQ.1 và BQ.1.1 sẽ chiếm 16,6% tổng số ca nhiễm COVID-19 do các biến thể hiện có gây nên tại Mỹ. Tuyên bố dựa trên dữ liệu thống kê tính đến ngày 21/10 cho thấy, tỷ lệ hiện có của hai biến thể BQ.1 và BQ.1.1 tại Mỹ là 9,4%.
Trong đó, ghi nhận trong vài tuần qua, các biến thể mới nổi bao gồm BQ.1 và BQ.1.1 lây lan rất nhanh trong quốc gia, đặc biệt là tại New York. Hai biến thể này là “hậu duệ” của biến thể phụ BA.5 của Omicron, là chủng virus COVID-19 đang chiếm ưu thế tại Mỹ. Các cơ quan quản lý ở châu Âu và Mỹ gần đây đã cho phép các công ty tăng cường vaccine để hạn chế điều này.
CDC thông tin, trước đây biến thể BQ.1 đã chiếm 5,8% các biến thể đang lưu hành, trong khi BQ.1.1 đã chiếm 3,6% trong tổng số ca nhiễm do các biến thể hiện có gây nên.
Đến gần đây, số ca nhiễm COVID-19 ghi nhận hàng tuần tại Mỹ đã giảm đi, trong khi số ca nhập viện có tăng trong tuần này, song cũng vẫn giảm so với các tuần trước.
Trong một thông tin có liên quan, các quan chức châu Âu cho biết, hiện vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy BQ.1 có liên quan đến việc gia tăng mức độ nghiêm trọng so với những gì các biến thể Omicron đang lưu hành là BA.4 và BA.5 thể hiện.
Các biến thể mới đang được giám sát chặt chẽ bởi các cơ quan quản lý và các nhà sản xuất vaccine, phòng trường hợp chúng bắt đầu né tránh các biện pháp miễn dịch được cung cấp bởi vaccine hiện tại.
Tuần này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, BQ.1 đang lưu hành ở ít nhất là 29 quốc gia.
Đại dịch COVID-19 vẫn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng
Trước tình hình như hiện tại, sau cuộc đánh giá hàng quý diễn ra vào tuần trước, Ủy ban Khẩn cấp (EC) về Quy định Y tế Quốc tế (IHR) của WHO cho biết mặc dù số ca bệnh nặng và số ca nhiễm hàng tuần giảm, song số trường hợp tử vong do COVID-19 vẫn ở mức cao so với các virus đường hô hấp khác. Dựa trên nhiều yếu tố, Tổ chức Y thế Thế giới (WHO) vẫn nhận định đại dịch COVID-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng (PHEIC) được quốc tế quan tâm, mức báo động cao nhất được tổ chức đưa ra.
Thông báo được đưa ra mặc dù số ca tử vong do đại dịch ghi nhận hàng tuần gần như ở mức thấp nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cảnh báo về các biến chứng liên quan đến COVID-19, với tác động đầy đủ của những điều này chưa được hiểu rõ hoàn toàn. Ủy ban Khẩn cấp (EC) về Quy định Y tế Quốc tế (IHR) của WHO cho biết, đợt bùng phát mới có thể sẽ diễn ra trong mùa đông sắp tới ở Bắc bán cầu. Tuy nhiên những lỗ hổng hiện tại trong tiến trình giám sát toàn cầu đối với đại dịch COVID-19 đã cản trở việc xác định sớm và đánh giá sự tiến hóa của virus. Với dự đoán virus này tiếp tục biến đổi, ủy ban cho rằng các đặc điểm di truyền và kháng nguyên của các biến thể trong tương lai vẫn chưa thể được dự đoán một cách chắc chắn.
Với những cân nhắc nêu trên, ủy ban cho rằng tiếp tục phối hợp phản ứng quốc tế là cần thiết và tình hình vẫn còn thay đổi, phải thường xuyên được đánh giá lại và nếu muốn chấm dứt PHEIC, mọi đánh giá cần được thực hiện càng kỹ càng tốt.
Ủy ban khuyến nghị, cần có 3 ưu tiên chính trong tương lai bao gồm: tăng cường giám sát và đạt được các mục tiêu tiêm chủng cho các nhóm có nguy cơ; tiếp tục tăng cường khả năng tiếp cận với các phương pháp điều trị giá cả phải chăng và tăng cường lập kế hoạch sẵn sàng ứng phó với đại dịch, đồng thời tiếp tục bảo vệ các nhóm có nguy cơ cao nhất.
Đan Lê (Tổng hợp và lược dịch từ CNA, Reuters & Xinhua Net)