Từ năm 2012 sản phẩm mây tre đan Bao La đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu tập thể. Ảnh: MC

Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vừa tổ chức nghiệm thu kết quả thực hiện dự án KH&CN cấp tỉnh "Quản lý và phát triển nhãn hiệu mây tre đan của HTX mây tre đan Bao La, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền". Hội đồng nghiệm thu thống nhất là đề tài đạt yêu cầu.

Ngay tiêu đề của đề tài cho chúng ta thấy có hai nội dung chính, đó là quản lý nhãn hiệu và phát triển nhãn hiệu.

Từ năm 2012, sản phẩm mây tre đan Bao La đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu tập thể. Tính từ đó đến nay đã 10 năm, không biết hoạt động của làng nghề đan lát Bao La, mà tập trung nhất là HTX đan lát Bao La diễn ra như thế nào mà đến nay đặt vấn đề quản lý và phát triển!? Có chút gì đó băn khoăn về việc thực hiện đề tài khoa học này.

Đơn vị thực hiện đề tài là Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN. Trung tâm này là một đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở KH &CN. Việc “ông bố” giao cho “con” thực hiện một dự án khoa học, rồi tổ chức nghiệm thu liệu có khách quan? Tất nhiên, hội đồng nghiệm thu không chỉ có đại diện sở mà còn có các nhà khoa học khác. Nhưng như vậy cũng không có gì đảm bảo tính khách quan của nó. Sở KH& CN là đơn vị quản lý Nhà nước về KH&CN, trong đó có quản lý nguồn vốn ngân sách thực hiện công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ. Giữa nghiên cứu và ứng dụng không “trùng khít" lên nhau, hay nói cách khác là nghiên cứu là việc của nghiên cứu, còn kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tế như thế nào lại là một việc khác không chỉ là câu chuyện của nghiên cứu khoa học ở Thừa Thiên Huế mà là thực trạng của cả nước. Cho nên, chuyện nhập nhằng vừa “đá bóng, vừa thổi còi” là điều không nên. Nói thẳng ra là đã là đơn vị quản lý Nhà nước về khoa học thì không nên thực hiện các đề tài khoa học. Dù có khách quan đến bao nhiêu thì cũng gây nên những dị nghị cho dư luận.

Không biết nội dung đề tài thực hiện như thế nào nhưng qua những thông tin được công bố thì các công việc thực hiện đó là: “Đã điều tra khảo sát tình hình sử dụng, quản lý và phát triển nhãn hiệu Mây tre đan Bao La; xây dựng 3 bộ tiêu chuẩn cơ sở cho 3 sản phẩm đặc trưng tại HTX là rổ rá, mâm khay, mẹt; đã in ấn 3.000 nhãn dán và thông tin về sản phẩm mây tre đan Bao La; xây dựng hệ thống công cụ quản lý, khai thác, phát triển, dấu hiệu nhận diện nhãn hiệu; có phương án tổ chức các hoạt động thương mại, hệ thống, phát triển thị trường và tiếp thị”.

Qua nội dung đề tài thực hiện chúng ta thấy, mục tiêu cuối cùng là phát triển thương mại sản phẩm đan lát Bao La. Thế thì, việc thực hiện đề tài chỉ mới là sự bắt đầu. Bởi vì mục tiêu cuối cùng là phát triển thương mại sản phẩm vẫn còn đó. Cho nên, thiển nghĩ cần đánh giá nội dung này trong một thời gian tương lai nhất định. Ví dụ như 3 năm sau, sản phẩm có phát triển được thị trường hay không, có phát triển được doanh thu và lợi nhuận hay không. Những mục tiêu này cũng cần đặt ra đối với đề tài. Nếu không phát triển được doanh thu, thị trường, sản phẩm… thì sự hỗ trợ của thực hiện đề tài cũng không có nhiều ý nghĩa. Có lẽ không chỉ có dự án này mà các dự án khác cũng nên đặt ra yêu cầu tương tự như vậy. Để mục đích của nghiên cứu khoa học là phải được ứng dụng trong thực tiễn để tạo ra hiệu quả. Đó mới là điều quan trọng của nghiên cứu khoa học chứ không phải nghiên cứu rồi “cất trong ngăn kéo”.

Cát Sơn