Theo tính toán, thủy điện Hương Điền điều tiết cắt khoảng 56% đỉnh lũ cho trận lũ lịch sử vừa qua
Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, ngay từ đầu năm 2022 do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), dự báo thời tiết diễn biến phức tạp, có xuất hiện trận lũ trái mùa. Từ ngày 27/9 đến 16/10 trên địa bàn tỉnh liên tục xảy ra 4 đợt mưa to liên tục, đặc biệt là trận mưa lịch sử vào từ ngày 14-16/10, tại các trạm của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh lượng mưa đo được trung bình từ 575-1.093mm. Các hồ chứa đã liên tục cắt giảm đỉnh lũ cho vùng hạ du trong 4 đợt mưa lớn.
Tuy cắt giảm được đỉnh lũ, nhưng mưa với cường suất lớn cũng đã làm gần 20 nghìn ngôi nhà trên địa bàn tỉnh bị ngập, nhiều nơi vùng đồng bằng, vùng trũng hệ thống giao thông bị ngập sâu, chia cắt, tê liệt và hàng trăm ha hoa màu, thủy sản bị thiệt hại. Đợt lũ lần này, vùng đô thị cũng bị ngập úng nhiều nơi khiến đời sống người dân bị ảnh hưởng nặng nề, các tuyến giao thông thành phố phải đi lại bằng thuyền.
Chị Lê Thị Nhung (khu A, KĐTM An Vân Dương) cho biết, từ chiều 14/10, thấy nước bắt đầu dâng, dù đã cập nhật dự báo trước, nhiều hộ dân ở chung cư Xuân Phú, Aranya, Vicoland đã đưa phương tiện ô tô, xe máy ra cầu Phát Lát hoặc đưa lên đường Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu (đoạn đã nâng cao độ mặt đường) để “tránh lũ”. Không ngờ nước lên nhanh, quá cao, nhiều phương tiện phải ngâm trong nước, thuê xe cẩu cứu hộ. Các nhà dân dọc các trục đường vùng thấp trũng nước cũng nhanh chóng tràn vào.
Số liệu đo đạc của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho thấy, lượng mưa lớn bắt đầu xuất hiện từ sáng sớm ngày 14/10 tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng sau đó chuyển dần lên vùng núi thuộc lưu vực các hồ chứa lớn. Tổng lượng mưa ngày 14-15/10 đo được ở vùng đồng bằng TP. Huế dao động từ 520- 665mm, các trạm trong lưu vực hồ Tả Trạch (Hương Thủy) từ 500-820mm, lưu vực hồ Bình Điền (Hương Trà) từ 420-600mm.
Người dân hạ lưu sông Bồ bị ngập sâu, phải đi lại bằng thuyền trong đợt lũ từ ngày 14-16/10
Bắt đầu xuất hiện lũ trên hồ Tả Trạch với đỉnh lũ 7.205m3/s, lưu lượng điều tiết của hồ Tả Trạch về hạ du được giữ ổn định từ 640-767m3/s cắt khoảng 89% đỉnh lũ, tổng lượng nước về hồ này khoảng 266 triệu m3, tổng lượng nước giữ lại hồ khoảng 201 triệu m3, tổng lượng vận hành điều tiết về hạ du 65 triệu m3 (cắt 76% tổng lượng nước).
Đối với hồ Bình Điền, với đỉnh lũ về hồ 6.582m3/s, lưu lượng vận hành về hạ du lớn nhất 2.381m3/s cắt khoảng 64% đỉnh lũ, tổng lượng nước về hồ khoảng 218 triệu m3, tổng lượng nước giữ lại hồ khoảng 107 triệu m3, tổng lượng vận hành điều tiết về hạ du 111 triệu m3 (cắt 49% tổng lượng nước).
Tổng lưu lượng lớn nhất hai hồ Tả Trạch và Bình Điền vận hành điều tiết cùng thời điểm về hạ du sông Hương ở mức 3.148m3/s, mực nước trên sông Hương tại trạm Kim Long đạt đỉnh +4,00m lúc 8 giờ ngày 15/10 trên báo động III khoảng 0,5m, thấp hơn đỉnh lũ năm 2020 là 0,17m (đỉnh lũ 2020 +4,17m).
Ông Đặng Văn Hóa, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh khẳng định, theo tính toán nếu không có hồ chứa ở thượng nguồn với tổng lưu lượng cùng thời điểm khoảng 12.730m3/s, tổng lượng nước khoảng 484 triệu m3 của 2 nhánh Tả Trạch và Hữu Trạch đổ về hạ du, mực nước trên sông Hương tại Kim Long có thể vượt mức 5,51m, vận hành liên hồ Tả Trạch và Bình Điền đã giảm mực nước sông Hương khoảng hơn 1,51m.
Đối với hồ thủy điện Hương Điền (Hương Trà), lượng nước vận hành về hạ du lớn nhất 4.180m3/s cắt khoảng 56% đỉnh lũ, tổng lượng nước về hồ khoảng 411 triệu m3, tổng lượng nước điều tiết luân phiên giữ lại hồ khoảng 156 triệu m3, tổng lượng vận hành điều tiết về hạ du 255 triệu m3 (cắt 38% tổng lượng nước).
Lưu lượng lớn nhất hồ Hương Điền vận hành về hạ du sông Bồ ở mức 4.180m3/s, mực nước cao nhất trên sông Bồ tại trạm Phú Ốc ở mức 5,00m lúc 9 giờ ngày 15/10, trên báo động III khoảng 0,5m, thấp hơn đỉnh lũ năm 2020 là 0,24m. Theo tính toán nếu không có hồ chứa ở thượng nguồn với lưu lượng 9.554m3/s mực nước trên sông Bồ có thể vượt mức 5,6m, hồ Hương Điền đã vận hành giảm lũ cho sông Bồ khoảng hơn 0,6m.
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đánh giá, những đợt mưa trước (ảnh hưởng của hoàn lưu bão Noru) các hồ đã tham gia cắt, giảm đỉnh lũ nên mực nước hồ đã dâng cao. Trước trận lũ vừa qua, đơn vị đã ban hành các lệnh vận hành chỉ đạo các chủ đập vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện tăng cường phát điện, xả tràn để đưa nước về mực nước đón lũ, tăng dung tích phòng lũ, góp phần giảm lũ cho vùng hạ du.
Trong thời gian lũ, các hồ đã vận hành với lưu lượng xả luôn nhỏ hơn lưu lượng đến hồ nên đã cắt, giảm đỉnh lũ cho vùng hạ du và chuẩn bị ứng phó với các đợt diễn biến phức tạp của thời tiết sắp tới. Hiện nay các hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh đang vận hành đảm bảo an toàn.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành đã được phê duyệt nhằm đảm bảo an toàn công trình và an toàn vùng hạ du. Thường xuyên thông báo, cảnh báo tình hình mưa lũ, mực nước, lệnh vận hành hồ cho các cơ quan, đơn vị có liên quan và người dân vùng hạ du để chủ động phòng tránh.
Trong đợt lũ vừa qua, truyền thông mạng xã hội Fanpage HueIOC liên tục biên tập và đăng tải bài viết thu hút 2.318.521 người tiếp cận và 47.235 lượt tương tác, thực hiện livestream liên tục trên kênh camera giám sát tại các địa điểm ngập úng. Hỗ trợ trả lời 21 trường hợp. Truyền thông mạng xã hội Zalo biên tập và đăng tải 18 bài viết, phối hợp với Zalo thực hiện gửi hơn 500.000 lượt tin đến người dùng Zalo trong tỉnh và thu hút 211.577 lượt xem…
Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN