Nông dân khôi phục rau sau lũ

Trận lũ lớn mới đây làm hàng trăm ha rau màu tại các địa phương vùng thấp trũng bị ngập úng, thiệt hại gần như hoàn toàn. Riêng huyện Quảng Điền, vựa rau của tỉnh thiệt hại đến 120 ha rau cải, xà lách, hành, ngò… Những ngày sau lũ, nguồn rau trở nên khan hiếm, “cung không đáp ứng cầu”, giá rau cao gấp 4-5 lần so với ngày thường.

Bà Đinh Thị Di ở làng Thành Trung, xã Quảng Thành (Quảng Điền) chia sẻ, mấy sào rau cải, xà lách, ngò của gia đình đều bị ngập sâu và hư hỏng hoàn toàn, ước thiệt hại hơn 10 triệu đồng. Sau lũ lại còn mất nhiều công cải tạo vườn, vun luống, tốn chi phí giống, phân bón…

Rau bị thiệt hại đã đành lại còn chứng kiến cảnh giá cả sau lũ quá cao khiến người trồng rau như bà Di không khỏi chạnh lòng. Ngay sau khi nước lũ rút, bà Di cũng như nông dân địa phương khẩn trương cải tạo đất, vun trồng lại những vườn rau để kịp thời cung ứng thị trường tiêu thụ và ổn định cuộc sống.

Sau vài ngày cơn lũ đi qua, những luống rau đầu tiên đã được nông dân khôi phục, những mầm cải, xà lách xanh non mơn mởn, hứa hẹn mười ngày đến sẽ có sản phẩm cung cấp thị trường. Tại làng rau Thành Trung, những vườn rau ở khu vực cao bị ngập nhẹ, nước lũ rút nhanh được bà con vệ sinh, khôi phục kịp thời. Với những vườn rau này, không chỉ hạn chế mức độ thiệt hại mà còn sớm cho sản phẩm trong vài ngày đến.

Bí thư Đảng ủy xã Quảng Thành, bà Nguyễn Thị Dạ Thảo thông tin, trên địa bàn có khoảng 33ha rau, trong đó nhiều diện tích rau an toàn đều bị ngập, thiệt hại nặng. Tranh thủ thời tiết nắng ấm sau lũ, địa phương khuyến khích người dân khẩn trương khôi phục rau để có nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống. Tùy theo mức độ thiệt hại của từng hộ, địa phương sẽ kiến nghị cấp trên hỗ trợ giống rau cho người dân khắc phục hậu quả thiên tai.

Những ngày này, các địa phương của huyện Quảng Điền và các vùng trồng rau trên địa bàn tỉnh tập trung vận động, hướng dẫn nông dân khôi phục sản xuất nông nghiệp, trong đó chú trọng rau màu, hoa vụ tết. Với những vùng thấp trũng, nước lũ rút chậm, các địa phương, hợp tác xã vận hành trạm bơm điện, bơm dầu để đấu úng, kịp thời khôi phục rau ràu.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, ông Lê Văn Anh thông tin, đối với diện tích hoa, rau các loại bị thiệt hại hoàn toàn, chi cục phối hợp với các địa phương yêu cầu người dân tranh thủ thời tiết thuận lợi tiến hành làm đất, gieo trồng lại. Những diện tích thiệt hại nhẹ sẽ tiến hành chăm sóc, trồng dặm để cây phục hồi, phát triển và làm lưới che để giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn gây ra trong thời gian đến.

Đối với cây trồng như ngô, lạc, khoai lang... sau khi nước rút, tập trung vệ sinh đồng ruộng, phun tưới phân bón lá, các chế phẩm vi lượng... cho cây nhanh phục hồi. Khi đất khô ráo phải xới xáo, phá váng, vun gốc kịp thời để tạo độ thoáng cho đất, tránh nghẹt rễ và kết hợp bón bổ sung phân lân, NPK...

Đối với cây ăn quả, người dân cần đào rãnh, khơi thông thoát nước nhanh ra khỏi vườn cây. Để tăng khả năng phục hồi của cây cần xới nhẹ, phá váng ở lớp đất mặt (vùng tán cây) giúp đất thông thoáng, tạo sự trao đổi khí; xung quanh rễ cần tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón lá (hạn chế sử dung phân bón hóa học).

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, những ngày này, đơn vị phân công cán bộ kỹ thuật tăng cường bám sát cơ sở nắm bắt tình hình sản xuất; thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết nhằm có biện pháp chủ động ứng phó kịp thời với những ảnh hưởng xấu của thời tiết. Với những vườn rau đến chu kỳ thương phẩm phải tranh thủ thu hoạch nhanh gọn trước khi lũ xảy ra.

Bài, ảnh: Hoàng Thế