Chính sách bảo hiểm thất nghiệp giúp người lao động hạn chế rủi ro và sớm quay lại thị trường lao động

Một chính sách nhiều lợi ích

Cùng với những chính sách bảo hiểm khác như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế..., BHTN giúp đảm bảo một phần an sinh xã hội trong việc giải quyết được một khó khăn cho NLĐ khi họ bị mất việc làm, hỗ trợ NLĐ học nghề, duy trì và tìm kiếm việc làm, hỗ trợ tư vấn, GTVL.

Thực tế, sau hơn 10 năm ban hành và thực hiện, chính sách BHTN đã góp phần bảo vệ quyền lợi và ổn định cuộc sống của NLĐ trong thời gian chưa tìm được việc làm mới. Ở Thừa Thiên Huế, từ năm 2015 đến nay, có hơn 56.000 người lao động nộp hồ sơ hưởng BHTN. Trong đó, có trên 55.000 người có quyết định hưởng BHTN; 55.000 người được tư vấn, GTVL, tư vấn học nghề và có hơn 5.000 người được GTVL, hơn 2.360 người được hỗ trợ học nghề.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (DVVL) - trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là 7.041 người, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2021.

Phải nói rằng, trong tình hình kinh tế khó khăn, khủng hoảng toàn cầu và ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt..., NLĐ rất dễ đối mặt với nhiều rủi ro về việc làm. Nên, khi rơi vào tình cảnh này, BHTN không chỉ trao cho NLĐ “con cá”, mà còn cung cấp “cần câu” để NLĐ đảm bảo an sinh, nhất là ngăn chặn tình trạng thất nghiệp, ảnh hưởng đến TTLĐ khi được bù đắp một phần thu nhập trong thời gian thất nghiệp. Quan trọng hơn, BHTN có các biện pháp để hỗ trợ người thất nghiệp tham gia học nghề để nâng cao trình độ kỹ năng nghề hoặc chuyển đổi nghề nghiệp; tư vấn, GTVL để người thất nghiệp nhanh chóng tìm được việc làm mới, được hưởng bảo hiểm y tế...

Cần phối hợp 3 bên để đảm bảo “3 đúng”

Bên cạnh những lợi ích rất thiết thân đối với NLĐ, việc tham gia BHTN còn giúp cho người sử dụng lao động không phải bỏ khoản chi phí lớn để giải quyết chế độ thôi việc hoặc mất việc làm khi NLĐ nghỉ việc. Nhờ đó, gánh nặng tài chính sẽ được san sẻ. Nhất là, người sử dụng lao động còn được hỗ trợ kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ; được hỗ trợ thông tin thị trường lao động để phục vụ cho việc tuyển dụng lao động.

Với mục tiêu giảm tỷ lệ thất nghiệp, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong DN, tỉnh luôn quan tâm ưu tiên thực hiện các chính sách hỗ trợ tìm việc làm, ổn định việc làm cho NLĐ và giảm nghèo bền vững. Việc giải quyết chính sách BHTN được cơ quan chức năng thực hiện theo phương châm 3 đúng: “đúng đối tượng, đúng chế độ và đúng thời hạn”. Là đơn vị được giao nhiệm vụ giải quyết chế độ BHTN cho NLĐ, Trung tâm DVVL tỉnh tích cực tư vấn về việc làm, học nghề với nhiều hình thức phong phú và luôn cải tiến quy trình tư vấn, nên số người được tư vấn và chất lượng tư vấn ngày càng được nâng cao, giúp NLĐ tìm kiếm được việc làm, sớm quay trở lại TTLĐ.

Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách BHTN đến NLĐ, trung tâm luôn phối hợp chặt chẽ với cơ quan Bảo hiểm xã hội nhằm phục vụ hiệu quả quá trình thẩm định, xét duyệt hồ sơ và giải quyết các chế độ về BHTN; phối hợp theo dõi đối tượng hưởng nhằm phát hiện NLĐ có việc làm, xác minh, rà soát, liên hệ để tư vấn và hướng dẫn NLĐ đến cung cấp hồ sơ có liên quan về việc có việc làm, phối hợp với các đơn vị, DN để có căn cứ xử lý, ra quyết định chấm dứt và thu hồi tiền hưởng các chế độ BHTN sai quy định.

Quá trình thực hiện chính sách BHTN vẫn còn gặp một số khó khăn. Vẫn còn một số đơn vị sử dụng lao động không chấp hành đúng các quy định của pháp luật và đóng BHTN chậm so với quy định, không cung cấp hợp đồng lao động kịp thời cho NLĐ..., dẫn đến NLĐ hưởng các chế độ BHTN không đúng quy định phải thu hồi tiền TCTN, hoặc không được hưởng quyền lợi bảo lưu số tháng đóng BHTN theo quy định. Một số lao động chưa ý thức về trách nhiệm của mình trong khi đã có việc làm mới hoặc không đủ điều kiện hưởng vẫn làm hồ sơ đề nghị hưởng TCTN, hoặc không thông báo về việc có việc làm mới trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN.

Có thể nói, vai trò của BHTN đối với cả 3 bên có liên quan là NLĐ, người sử dụng lao động và Nhà nước đều rất quan trọng. Vì vậy, ngoài ý thức, trách nhiệm của NLĐ và người sử dụng lao động, ngành LĐTB&XH cần sớm kết nối, đồng bộ cơ sở dữ liệu với cơ quan Bảo hiểm xã hội để thuận tiện trong việc thực hiện giải quyết chế độ BHTN, theo dõi đối tượng hưởng, ngăn chặn kịp thời về việc lạm dụng chính sách BHTN. Đồng thời cần tìm kiếm, tạo điều kiện, cơ hội cho NLĐ tham gia TTLĐ, góp phần đảm bảo hiệu suất lao động cho xã hội, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Bài, ảnh: NGUYỄN ĐỨC THUẬN