Lô sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc đầu tiên của Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại sản xuất Long Thủy. Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN

Trung Quốc lâu nay luôn là một thị trường lớn đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn chưa hiểu rõ thị trường Trung Quốc, dẫn đến việc gặp một số khó khăn trong quá trình đưa sản phẩm, hàng hóa chinh phục thị trường đông dân nhất thế giới này.

Đề cập tới những thế mạnh của Việt Nam khi đưa hàng hóa thâm nhập thị trường Trung Quốc, Tham tán Thương mại Nông Đức Lai cho biết hiện Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai và là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với một số mặt hàng nông sản của Việt Nam (thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với nhóm hàng rau quả, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su; thị trường xuất khẩu lớn thứ ba với nhóm hàng thủy sản, chỉ sau Mỹ, Nhật Bản).

Một số nhóm mặt hàng như thủy sản, trái cây, càphê của Việt Nam đều nằm trong tốp 10 quốc gia xuất khẩu lớn nhất vào Trung Quốc, nhiều mặt hàng như cá tra, cá basa, cá mực, quả thanh long, quả vải, hạt điều đều chiếm thị phần gần như tuyệt đối về khối lượng cũng như kim ngạch nhập khẩu. Điều đó cho thấy nhiều sản phẩm, ngành hàng của Việt Nam có thế mạnh khi tham gia xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Hiện nay, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang thúc đẩy đàm phán với phía Trung Quốc mở cửa thị trường cho nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam, qua đó càng tạo điều kiện hơn cho hàng hóa, nhất là hàng nông thủy sản của Việt Nam thâm nhập thị trường hơn 1,4 tỷ dân này.

Theo Tham tán Thương mại Nông Đức Lai, ngoài thế mạnh về một số nhóm mặt hàng, Việt Nam có thể phát huy lợi thế về phương thức vận tải đa dạng từ đường bộ, đường biển, đường sắt đến đường không với thời gian ngắn, chi phí cạnh tranh so với nhiều quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới nhờ có chung biên giới cả trên bộ và trên biển với Trung Quốc. Ngoài ra, với sự đa dạng cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng am hiểu sâu về thị trường, nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc.

Thời gian tới Trung Quốc có thể nới lỏng chính sách "Không COVID-19" cùng sự phục hồi mạnh mẽ thị trường tiêu dùng nội địa về cuối năm... Đó cũng là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này.

Tham tán Nông Đức Lai nhấn mạnh xu thế nâng cao tiêu chuẩn đối với hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt đối với nông sản, thực phẩm của Trung Quốc là không thể đảo ngược. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên hàng hóa đông lạnh, hàng tươi sống sẽ tiếp tục được duy trì.

Cạnh tranh hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản cùng loại giữa các nước tham gia xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc ngày càng khốc liệt hơn, do đó doanh nghiệp xuất khẩu và người sản xuất bắt buộc phải thích ứng các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của nước nhập khẩu và không ngừng nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, bao bì hàng hóa... để có thể cạnh tranh được trên thị trường Trung Quốc.

Với vai trò là cơ quan đại diện thương mại của Việt Nam tại Trung Quốc, Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh cùng các chi nhánh thương vụ, văn phòng xúc tiến thương mại tại các địa bàn (Nam Ninh, Quảng Châu, Côn Minh, Trùng Khánh và Hàng Châu) thường xuyên có hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, khai thác thị trường Trung Quốc bằng nhiều hình thức khác nhau. Cụ thể là cung cấp, cập nhật thông tin về thị trường, ngành hàng; cung cấp thông tin về chính sách, quy định của nước sở tại trong quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa; cung cấp thông tin về các hội chợ, triển lãm cũng như hỗ trợ, tổ chức cho doanh nghiệp tham gia hội chợ và các sự kiện xúc tiến thương mại khác; tổ chức và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hoạt động kết nối giao thương doanh nghiệp hai bên...

Trước thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc thường xuyên phối hợp tổ chức nhiều đoàn doanh nghiệp sang Trung Quốc khảo sát thị trường, giao thương với doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng nước sở tại, tham dự các hội chợ quốc tế lớn của Trung Quốc như Hội chợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ quốc tế Trung Quốc (CISMEF), Hội chợ ASEAN-Trung Quốc (CAEXPO), Hội chợ Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc (CIIE), Hội chợ Trung Quốc-Nam Á và Hội chợ Xuất nhập khẩu hàng hóa Côn Minh (KUNFAIR)…

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Thương vụ đã tích cực làm việc với đơn vị tổ chức hội chợ, chính quyền địa phương Trung Quốc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia hội chợ bằng hình thức trực tuyến với mô hình gian hàng trưng bày sản phẩm online kết hợp trưng bày trực tiếp thông qua các đại diện nhập khẩu hoặc đại lý của doanh nghiệp, đồng thời tham gia hoạt động giao dịch trực tuyến…, qua đó góp phần hỗ trợ doanh nghiệp có thêm cơ hội tiếp cận thị trường.

Thương vụ cùng cơ quan đại diện luôn đảm bảo và bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tại địa bàn trong khuôn khổ quy định của pháp luật và phạm vi quyền hạn cho phép.

Về các chương trình xúc tiến thương mại dự kiến tiến hành tại Trung Quốc thời gian tới, Tham tán Thương mại Nông Đức Lai nêu rõ từ nay đến cuối năm, ngoài phối hợp các đơn vị của Bộ Công Thương tổ chức cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia CIIE, KUNFAIR, Thương vụ còn tổ chức các hoạt động giới thiệu tiềm năng xuất khẩu trái cây, nông sản nói chung và ngành hàng thực phẩm, nông sản chế biến của Việt Nam tại một số địa phương. Ngoài ra, Thương vụ sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị của Bộ Công Thương, các địa phương, hiệp hội ngành hàng tổ chức các hoạt động giao thương, kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp, nhà nhập khẩu sở tại và ngược lại.

Vừa qua Trung Quốc đã chính thức mở cửa thị trường cho trái sầu riêng của Việt Nam. Để trái sầu riêng và các sản phẩm trái cây nói chung của Việt Nam có thể thâm nhập sâu hơn nữa vào thị trường Trung Quốc, đặc biệt là phân khúc thị trường khu vực miền Bắc nước này, Thương vụ sẽ tổ chức "Chương trình/Tuần lễ giới thiệu trái cây Việt Nam" tại một số địa phương như Thiên Tân, Bắc Kinh hay Hà Bắc vào thời điểm phù hợp.

Theo Vietnam+