Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres trong một hoạt động tại Việt Nam. Ảnh minh họa: Thanh Niên

Cụ thể, phát biểu tại Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam tại Hà Nội, người đứng đầu Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres khẳng định, chính phủ các nước cần phải sẵn sàng để đối phó với thiên tai.

Mục tiêu là trong vòng 5 năm sẽ có hệ thống cảnh báo sớm ở tất cả các quốc gia để “chấm dứt thảm kịch chết người”, sinh kế bị phá hủy vì mọi người không biết rằng thảm kịch đang diễn ra.

“Khi chúng ta có hệ thống cảnh báo sớm và biết rằng điều gì đó khủng khiếp sắp xảy ra, chúng ta sẽ có thời gian để di dời người dân và bảo vệ tài sản”, ông Antonio Guterres cho biết.

Để thực hiện mục tiêu đối phó tốt với biến đổi khí hậu, vị lãnh đạo sẽ đưa ra kế hoạch hành động tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP27) diễn ra tại Ai Cập vào tháng tới.

Đối với Việt Nam, ông cũng dành lời khen ngợi cho công tác bảo vệ Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, vùng trung tâm nông nghiệp và công nghiệp của Việt Nam là một trong những nơi dễ bị tổn thương nhất trên thế giới, bởi vùng này phải hứng chịu mực nước biển dâng cao, xâm nhập mặn, lũ lụt và cường độ mưa thay đổi.

Nỗ lực bảo vệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ quan trọng với Việt Nam, mà có thể được chia sẻ với các quốc gia khác trên thế giới.

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thư ký Antonio Guterres đã dự buổi đối thoại với thanh niên Việt Nam và lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, tổ chức tại Học viện Ngoại giao với chủ đề “Đổi mới sáng tạo và sự tham gia của thanh niên vì một tương lai hòa nhập và bền vững”. Ông nhấn mạnh rằng đoàn kết là cách duy nhất để vượt qua khủng hoảng khí hậu và các thách thức toàn cầu hiện nay, hoặc thách thức mới nổi. Ông kêu gọi những người trẻ tuổi trên thế giới không từ bỏ hy vọng.

Trước tình hình thế giới đang lâm nguy do đại dịch COVID-19 và tác động gây nên bởi xung đột ở Ukraine, ông Antonio Guterres cũng đề cập đến nhu cầu công lý, cũng như đoàn kết và hợp tác hơn nữa. Theo ông, hành động đối với mất mát và thiệt hại là mệnh lệnh đạo đức phải được đặt lên hàng đầu tại hội nghị COP27.

Trong một thông tin liên quan, nhân dịp kỷ niệm 45 năm Việt Nam là thành viên của Liên Hiệp Quốc, ông ca ngợi quan hệ đối tác bền chặt của đất nước với Liên Hiệp Quốc và “hành trình đáng chú ý” của Việt Nam trong thời kỳ này, được ông miêu tả như một câu chuyện về sự chuyển biến và hy vọng, được viết nên bởi người Việt Nam.

Hạnh Nhi

(Lược dịch từ UN News)