Điện thoại thông minh - sự ham mê vô tận với hầu hết trẻ nhỏ

Chiếc khăn ám ảnh

Bệnh nhi là một bé trai đang học trung học cơ sở, vừa vượt qua cửa tử sau một lần học theo “thế giới ảo” để tự tử. Cậu bé học rất giỏi, có năng lực vượt trội và là niềm tự hào của gia đình. Nhưng không biết từ lúc nào, cậu bé đã thích và quan tâm đặc biệt đến một nhóm Cosplay (Cosplay là một từ tiếng Anh do người Nhật sáng tạo ra, là sự kết hợp của "costume" (trang phục) và "role play" (hóa thân)). Nhóm này chủ yếu thích bộ truyện Isekai của Nhật. Con bị cuốn vào nhóm đó và mất nhiều thời gian để chát chít với nhóm. Thái độ của con với mẹ cũng vì vậy mà ngày càng thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. Con thường xuyên liên lạc với nhóm Cosplay này qua messenger, zalo...

Một buổi chiều tối, mẹ kêu con ăn cơm, con viện cớ học bài nên sẽ ăn trễ. Thương con, mẹ bới cơm mang lên phòng. 5 phút sau, linh tính người mẹ mách bảo có chuyện chẳng lành vì phòng con quá yên lặng. Mẹ gọi vài tiếng, con không trả lời. Mẹ chạy lên thì thấy con đã thắt cổ trên cầu thang bằng chính chiếc khăn đồng phục mỗi ngày cùng con đến trường. Mẹ hốt hoảng cứu con thì mới biết, trước khi hành sự, con đã cố ý mang chìa khóa giấu đi. Cuối cùng, con cũng được đưa đến bệnh viện cấp cứu, nhưng đến gần 20 ngày sau mới tỉnh.

Trong lúc con hôn mê, người mẹ đau đớn tìm đọc các đoạn chat của con với nhóm Cosplay đó. Từ đây mới vỡ òa, nhận ra ở đó sự nguy hiểm bủa vây con như “siêu” ma trận. Hội nhóm đó có nhiều thành viên là học sinh, sinh viên và cả người trưởng thành. Có cả những học sinh của trường chuyên, học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Nhóm có chung đam mê với dòng truyện tranh Isekai (Nhật). Theo tiếng Nhật, Isekai được tạm hiểu là "Dị thế giới", thường được biết đến như những sản phẩm phim nói về “xuyên không” hay trọng sinh ở một thế giới khác.

Vấn đề là hội nhóm Cosplay kia đã biến câu chuyện viễn tưởng Isekai thành câu chuyện trong đời thật. Hội nhóm được dẫn dắt với những nội dung rất tiêu cực, như: Khích động các bạn nhỏ chống lại cha mẹ, trách móc thầy cô, đổ lỗi cho trường học, gia đình, đổ lỗi cho cả thế giới. Hướng dẫn các bạn nhỏ đủ các cách phản ứng tiêu cực (bỏ ăn, nhịn ăn, bỏ học, bỏ nhà đi bụi và hủy hoại bản thân). Nguy hiểm hơn, những kẻ điều hành hội nhóm còn hướng dẫn cặn kẽ cách thức tự tử, đảm bảo “thành công ngay lần đầu tiên”.

Các con tuổi xanh non nớt gần như bị “tẩy não”. Ngay cả cậu con trai của người mẹ đau khổ trên cũng vậy. Khi hồi tỉnh, mở mắt ra, việc đầu tiên con làm là lấy điện thoại và liên lạc với hội nhóm, không chút hối hận. Người mà con liên lạc cũng là một học sinh lớn tuổi hơn. Biết con vừa qua cửa tử, học sinh ấy buông lời bỡn cợt: "Ở thế giới bên kia có gì không? Isekai phê không? Người lớn nó bàn kinh kìa. Kkk, làm tốt lắm em trai"...

Thật kinh khủng.

Luôn cẩn trọng

Buổi họp phụ huynh ở một lớp 9 trên địa bàn thị xã Hương Thủy sôi nổi hẳn lên khi cô giáo chủ nhiệm trao đổi với cha mẹ học sinh về tình trạng các con sử dụng điện thoại thông minh quá nhiều. Gần 2/3 học sinh trong lớp đem điện thoại đến trường, chủ yếu là điện thoại thông minh. Điều đáng lo ngại là ngoài phục vụ cho việc học, qua điện thoại hoặc máy vi tính, các con kết nối với nhau để tạo nhóm chơi game online, nói xấu bạn hay bàn về những chủ đề “người lớn” mà các con tò mò. Nhiều học sinh còn xem việc thức đến 1-2 giờ sáng là bình thường. Hậu quả rõ nhất của việc này là sáng ra các con như những con nghiện, ngáp lên ngáp xuống, hay ngủ gật gù trong những tiết học đầu. 

Hay, câu chuyện được chị Hoàng Liên Hương (Phú Bài, thị xã Hương Thủy) chia sẻ cũng khiến nhiều cha mẹ bận lòng. Thương vợ chồng em trai khuyết tật ở quê, chị Hương đã nhận nuôi cháu gái khi bé chuyển cấp lên khối THCS. Chuẩn bị kỹ tinh thần “lớn lên” cùng cô bé tuổi dậy thì, nhưng cuối cùng chị Hương đành phải chịu thua và gửi trả bé về với cha mẹ. Chị Hương kể, vì thương con nên vợ chồng em trai sắm cho con một chiếc điện thoại thông minh để tiện liên lạc và hỗ trợ con học tập. Thời gian đầu, chị Hương còn quy định với bé về thời gian sử dụng máy, nhưng càng về sau bé càng cố tình ngó lơ và không nghe lời.

Mãi đến khi kết quả học tập rơi tự do từ giỏi xuống trung bình, lại thêm liên tiếp phát hiện cháu nói dối, chị Hương mới kiên quyết “bẻ khóa” thế giới ảo của cháu. Từ đây, một “cô bé lớp 7” khác bày lộ ra khiến chị Hương sốc: Cô bé đã yêu, cũng đã có những đụng chạm cơ thể với bạn khác giới, thậm chí còn hẹn phân thắng bại với các bạn nữ khác để “xác định chủ quyền” bạn trai... “Bé vốn rất ngoan, nhưng mọi thứ đã không như mình nghĩ khi con vào tuổi dậy thì. Con bướng bỉnh, lầm lì và hầu như chỉ “ôm” điện thoại. Mình tự nhận mình thất bại với con bé”, chị Hương buồn buồn.

Thời đại công nghệ số, vì “n” lý do mà nhiều gia đình sẵn sàng đầu tư các thiết bị điện tử thông minh cho con, trong đó chủ yếu nhất là “để con học”. Theo các chuyên gia tâm lý, việc trẻ sử dụng điện thoại không phải hoàn toàn xấu nhưng cha mẹ cần có sự kiểm soát phù hợp với từng lứa tuổi, để con sử dụng các thiết bị một cách an toàn. Để bảo vệ con trẻ trước những “con sóng dữ” từ thế giới internet, cha mẹ hãy cố gắng đảm bảo rằng kiểm soát được thời lượng sử dụng điện thoại của con; trao đổi trực tiếp với con về những nguy hại nếu con lạm dụng việc sử dụng điện thoại và internet; và điều quan trọng luôn nhớ, không bao giờ để trẻ đi ngủ cùng điện thoại di động.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN