Chú Dũng cẩn thận vặn từng ốc vít xe cho khách
Nghề sửa xe đạp đã từng có một thời gian “ế ẩm” vì các phương tiện giao thông hiện đại hơn ra đời. Nhưng giờ đây, việc đạp xe đạp mỗi ngày được nhiều người chọn lựa là phương thức tập thể dục cải thiện sức khỏe thì nghề sửa xe đạp cũng bắt đầu “thịnh” trở lại. Mặc dù không đắt khách như trước, nhưng nó cũng là nghề kiếm ra tiền của những thợ lành nghề và uy tín.
Tiệm sửa xe của ông Dũng (60 tuổi) ở gần chân cầu Chợ Dinh (TP. Huế) chỉ là một khoảng hiên trước nhà, bảng hiệu cũng chẳng lớn nhưng lại là nơi lui tới thường xuyên của đám học sinh ở trong vùng và những người mê xe đạp thể thao. Vặn vít, vá lốp, “độ” xe… việc gì chú cũng nhận làm.
Với tay nghề hơn 30 năm sửa xe đạp, xe máy nơi góc đường, hầu như ông Dũng nhớ mồn một những đặc tính của mỗi chiếc xe đạp ở quanh khu vực này. “Nhất là xe của tụi nhỏ học sinh, nhiều đứa gia đình khá giả đi xe xịn, nhiều đứa đi xe cùi thì sửa mãi. Hôm thì rơ cổ, hôm tráng vành, đứt phanh. Mà tụi nó thì tiền đâu, có thì lấy dăm ba ngàn tiền công, còn cái chi dùng sức chứ không tốn phụ tùng thì sửa không cho chúng nó cũng được. Cũng chẳng khá giả gì, nhặt nhạnh từng đồng bạc lẻ, nhưng tính tui vậy, ai khó quá thì thôi, mình giúp không cũng được. Bù lại nhiều người đi xe thể thao bơm lốp thôi cũng trả 10 ngàn. Vậy đó, có cho có nhận mà”.
Nói về cơ duyên chọn nghề, ông Dũng chia sẻ, nghề chọn người hay người chọn nghề cũng không rõ nữa, nhưng vì ông không được to con, sức khỏe không được tốt nên nghĩ đơn giản mình sẽ phù hợp với những công việc không cần nhiều sức như thế này. Với chú, nghề nào cũng đáng quý hết, đơn giản chỉ cần biết yêu và sống chân chính bằng sức lao động của mình thì mỗi ngày đều là một niềm vui. Chính vì vậy, khi nghề sửa xe đạp không còn thịnh hành thì chú học thêm để sửa xe máy cơ bản, với những lỗi hư hỏng đơn giản.
Thủng thẳng dắt chiếc xe đạp đến tiệm nhỏ nằm ngay giữa đường Đặng Văn Ngữ (TP. Huế) để thay xăm, lốp, cân lại vành… cô Thời, chủ nhân chiếc xe tâm sự với ông Tư chủ tiệm: Lâu nay tôi về quê ở Quảng Bình có việc nên không đạp xe thể dục được, xăm xe cũng khá cũ và để lâu ngày nên bị xuống hơi, tiện thể đưa xe qua đây để chú đại tu giúp tôi. Xe có “bon bon” thì mới đạp đi thể dục được, chứ ở nhà mà ngày nào không đạp xe vài vòng là tôi thấy người bứt rứt khó chịu.
Vừa cân lại vành xe cho cô Thời, chú Tư vừa chia sẻ, bánh xe bị méo mó không tròn thì người đạp xe có cảm giác rất khó chịu. Vì vậy phải tỉ mỉ vặn chỉnh lại từng cây tăm xe cho đều.
Chú Tư cũng cho biết, hiện nay xe đạp rất đa dạng về mẫu mã, chủng loại nên cũng đòi hỏi người thợ già như chú cũng phải không ngừng học hỏi, mày mò, tìm hiểu. Sửa xe đạp ngày trước chỉ cần biết chút ít về cơ khí.
Bây giờ, có quá nhiều kiểu xe đạp mới lạ. Để có được khách hàng, đòi hỏi người thợ phải nâng cao tay nghề và kỹ năng. Hơn nữa, mỗi hãng xe có những phụ tùng rất khác biệt, với mỗi loại xe sẽ có những cách sửa chữa và bảo dưỡng khác nhau. Đặc biệt là những dòng xe cao cấp như xe đạp địa hình, xe đạp đua, xe đạp gấp… những dòng xe này đang có nhiều người sử dụng mà số lượng mẫu mã, phụ tùng thay thế lại đa dạng, nên phải nắm chắc được các nhãn hàng có thương hiệu để khi thay thế, sửa chữa mới có độ bền cao.
Làm nghề nhặt bạc lẻ vậy đó, nhưng cũng phải thật nghiêm túc với nghề, chính sự nghiêm túc ấy đã giúp những người thợ sửa xe đạp vượt qua những giai đoạn thăng trầm của nghề. Để cái nghề tưởng chừng như khó có thể tồn tại, nay lại nhộn nhịp hơn, giúp họ có thu nhập khá hơn để trang trải cuộc sống.
Bài, ảnh: Thảo Vy