Cùng với đó, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với giáo viên mầm non, nhất là đội ngũ giáo viên ở vùng sâu, vùng xa và các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập còn gặp một số khó khăn, bất cập.

Cô giáo hướng dẫn các bé thực hành tham gia giao thông đúng quy định tại trường Mầm non Đa Mai, thành phố Bắc Giang. Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN

Khó khăn từ chính sách

Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chia sẻ: Vấn đề khó khăn nhất của giáo dục mầm non hiện nay vẫn là giáo viên. Chế độ chính sách chưa tạo được sức hút để những người đam mê với giáo dục mầm non, có năng khiếu và lòng yêu trẻ lựa chọn theo nghề. Không chỉ vậy, trong 2 năm dịch COVID-19 vừa qua, các cơ sở mầm non ngoài công lập phải đóng cửa, không có kinh phí chi trả lương nên nhiều giáo viên mầm non phải nghỉ, tìm công việc khác. Vì vậy, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, mặc dù các cơ sở mầm non hoạt động trở lại đã tạm bố trí đủ giáo viên để nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ nhưng định mức giáo viên trên lớp vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, áp lực công việc với các giáo viên mầm non khá lớn.

Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất Chính phủ bổ sung 20.300 biên chế giáo viên mầm non cho 14 tỉnh, thành phố có tăng dân số cơ học và 5 tỉnh Tây Nguyên; bổ sung biên chế giáo viên mầm non giai đoạn 2022-2026 (38.925 biên chế). Bên cạnh đó, tham mưu Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Về chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non dạy lớp ghép, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số, tính đến hết năm học 2021-2022, toàn quốc có 28.837 giáo viên được hưởng chính sách, với tổng kinh phí đã thực hiện gần 561 tỷ đồng.

Về chính sách đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp, theo quy định tại Nghị định 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ, HĐND tỉnh ban hành mức hỗ trợ tối thiểu đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp có chăm sóc từ 30% trở lên trẻ là con công nhân, mức hỗ trợ tối thiểu là 800 nghìn đồng/người/tháng. Đến nay, đã có 40 tỉnh, thành phố ban hành Nghị quyết, trong đó 38 tỉnh, thành phố có mức hỗ trợ bằng mức quy định, 2 thành phố có mức hỗ trợ cao hơn là: Hà Nội (1,2 triệu đồng/người/tháng) và Hải Phòng (1 triệu đồng/người/tháng). Như vậy, vẫn còn hơn 20 tỉnh chưa ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ này.

Theo thống kê của 40 tỉnh, thành phố đã ban hành chính sách, có 4.666 giáo viên mầm non đủ điều kiện được nhận hỗ trợ. Số kinh phí đã thực hiện hỗ trợ là hơn 1,2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ý kiến từ đại diện các Sở Giáo dục và Đào tạo cho thấy, việc thực hiện chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập ở địa bàn khu công nghiệp gặp một số khó khăn do giáo viên thường xuyên thay đổi, không ổn định, khó khăn trong việc tổng hợp số liệu cho việc thu thập hồ sơ đề nghị hưởng chính sách. Giáo viên mầm non có bằng Trung cấp sư phạm dạy tại nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có trên 30% con công nhân tại một số địa phương chưa được hưởng chính sách của tỉnh do địa phương áp dụng quy định tại Luật Giáo dục năm 2019, giáo viên mầm non phải đạt chuẩn trình độ đào tạo Cao đẳng sư phạm.

Bên cạnh đó, mức hỗ trợ chính sách đối với giáo dục mầm non vẫn còn thấp; thu nhập của giáo dục mầm non, đặc biệt là giáo viên ngoài biên chế, nhân viên nuôi dưỡng hiện nay còn thấp so với mặt bằng chung của xã hội, chưa tương xứng với cường độ lao động cao, tính chất công việc yêu cầu cao về tinh thần trách nhiệm và chuyên môn, nghiệp vụ. Nhiều địa phương không đủ nguồn lực để bảo đảm đầy đủ chế độ, chính sách đối với giáo viên mầm non, nhất là giáo viên mầm non ngoài biên chế và đội ngũ nhân viên nuôi dưỡng.

Cần cơ chế đặc thù

Bà Dương Bích Nguyệt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai, cho biết: Hiện nay, Lào Cai thiếu giáo viên mầm non so với định mức quy định, toàn tỉnh định mức giáo viên/nhóm, lớp mới đạt 1,84. Bình quân mỗi giáo viên mầm non làm việc 9-10 giờ/ngày từ sáng đến chiều, bao gồm cả thời gian nghỉ trưa (khoảng 2 giờ/ngày), kinh phí chi trả dạy thêm giờ rất khó khăn. Việc sắp xếp, tuyển dụng giáo viên mầm non đối với vùng khó khăn hoặc hợp đồng lao động đối với khu vực thành phố, thị xã, thị trấn còn khó, do chỉ tiêu giao biên chế viên chức trong toàn ngành của tỉnh hàng năm chưa đáp ứng được số giáo viên thiếu và thiếu nguồn tuyển giáo viên đạt chuẩn trình độ chuyên môn theo Luật Giáo dục 2019.

Theo bà Dương Bích Nguyệt, Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non, trong đó có chính sách đối với giáo viên mầm non dạy lớp ghép, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số nhưng chỉ hỗ trợ cho giáo viên dạy điểm trường lẻ, ở thôn bản đặc biệt khó khăn, còn giáo viên dạy lớp ghép ở trường chính không được hưởng chế độ này. Đối chứng với cấp Tiểu học, chế độ được áp dụng đối với tất cả giáo viên dạy lớp ghép. Như vậy, có thể thấy, cơ chế chính sách chưa đảm bảo công bằng đối với các cấp học.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai cũng đề nghị nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ hoặc trợ cấp theo giai đoạn đối với đội ngũ nhà giáo đang bị ảnh hưởng trực tiếp của Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025. Bởi thu nhập từ lương của nhà giáo khi đơn vị công tác ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn bị giảm trung bình 5 triệu đồng/người/tháng do thôi hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp theo quy định của vùng đặc biệt khó khăn.

Hay như tại Đà Nẵng, theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng, giáo viên giảng dạy tại các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn huyện Hòa Vang không được hưởng hỗ trợ do huyện Hòa Vang không có khu công nghiệp. Tuy nhiên, huyện này lại đón nhận dạy dỗ đa số trẻ là con công nhân làm việc tại các khu công nghiệp của quận Liên Chiểu và Cẩm Lệ. Đây là một bất cập và cũng là thiệt thòi đối với giáo viên mầm non tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục trên địa bàn huyện Hòa Vang. Vì vậy, Đà Nẵng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu Chính phủ điều chỉnh Điều 10 của Nghị định 105/2020/NĐ-CP về đối đượng đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục: mở rộng địa bàn có khu công nghiệp thuộc cấp tỉnh, thành phố.

Ông Nguyễn Văn Phong, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương cũng nêu khó khăn khi triển khai chính sách đối với giáo viên mầm non đang làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non tư thục. Điều kiện để giáo viên được hưởng chế độ hỗ trợ là trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp. Trên thực tế, đa phần số trẻ là con công nhân, người lao động nhưng thường có cả lao động tự do nên xác nhận thường chưa đủ tỷ lệ 30%. Do vậy, nhiều giáo viên rất vất vả nhưng không được hưởng chính sách.

Theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương, Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, cải tiến chế độ làm việc, chính sách tiền lương cho đội ngũ giáo viên mầm non nhằm thu hút, khuyến khích học sinh theo học Sư phạm mầm non và thu hút nguồn nhân lực vào làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non.

Trước những khó khăn về nhân lực, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh chia sẻ: Để hạn chế việc giáo viên mầm non xin thôi việc và chuyển công tác ra khỏi ngành Giáo dục, rất cần chính sách đãi ngộ hợp lý. Hai năm vừa qua, đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất là giáo viên mầm non ngoài công lập. Khi một bộ phận giáo viên mầm non nghỉ việc, đi làm nơi khác với mức lương cao hơn thì việc thu hút họ quay trở lại không đơn giản. Chính vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục mầm non để tham mưu và quy định theo thẩm quyền bổ sung những vấn đề mới, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục mầm non. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện chính sách.

Theo Báo Tin tức