Đạp xe tham quan những làng quê yên bình vùng ngoại ô

Cảm nhận khác biệt

Vẫn là những cây cầu Trường Tiền, Phú Xuân, Bạch Hổ; vẫn là những đường phố thân quen, như Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Lê Duẩn, Đoàn Thị Điểm, Lê Huân… với hàng cây thẳng tắp, tỏa bóng mát mỗi sáng đi làm, hay lúc tan sở; vẫn là dòng sông Hương, Phu Vân Lâu, chợ Đông Ba, Trường Quốc Học, Trường Hai Bà Trưng... quen thuộc đến nỗi có thể đếm từng gian hàng ở phía mặt chợ, từng cột trụ của Phu Vân Lâu, từng chiếc thuyền rồng đang đậu ở bến Tòa Khâm… mà sao nay tất cả lạ lắm, cảm giác cứ bồi hồi, xao xuyến như khi đặt chân đến một vùng đất nào đó thật yên bình, thơ mộng.

Không bồi hồi, xao xuyến sao được vì sinh sống ở TP. Huế, đã qua hơn nửa đời người mà đây là lần đầu chị Trần Thị Mỹ Liên (trú phường Đông Ba) ngồi xích lô và đi dạo phố, được ngắm nhìn thành phố quen thuộc bằng một cách khác biệt so với mọi ngày; được trải nghiệm sản phẩm du lịch quá nổi tiếng của Huế, mà có lẽ du khách nào đến với Cố đô cũng sẽ lựa chọn để trải nghiệm.

Một vòng các tuyến đường trung tâm, quanh Đại Nội,… chị Liên tâm sự, chưa bao giờ thấy Huế đẹp đến như thế. Ngày nào cũng đi làm và về nhà qua Đại Nội, nhưng chỉ là lướt qua vì phải tập trung chạy xe, nay thì khác, ngồi trên xích lô, được thỏa mái ngắm nhìn mọi thứ xung quanh với tốc độ chậm rãi, không bị các yếu tố ngoại cảnh ảnh hưởng. Ngắm nhìn những bức tường thành bao quanh Đại Nội hàng trăm năm đã rêu phong theo dòng thời gian; nhìn con đường Đoàn Thị Điểm với một mảng màu xanh, hàng cây tỏa bóng mát rượi và rồi nhắm mắt hít một hơi thật sâu để cảm nhận sự thanh bình.

Ngồi trên xe xích lô, bác lái xe nhiệt tình chuyện trò, luôn giải đáp những câu hỏi của du khách là “người Huế”. Chị Liên chia sẻ, có lẽ vì cuộc sống quá bận rộn mà những thứ ngày nào cũng nhìn thấy, biết rõ từng vị trí, nhưng lại không biết tên, hay chức năng của những công trình, di tích. Như khi qua đường Đoàn Thị Điểm mới biết công trình nằm đối diện với đường Hàn Thuyên là Đông Khuyết Đài, là một trong bốn khuyết đài được xây dựng ở bốn mặt của Đại Nội để phục vụ cho việc quan sát và phòng thủ. Hay qua đường Đặng Thái Thân mới được bác lái xe thông tin về Bình An Đường, là nhà an dưỡng và khám, chữa bệnh dành riêng cho các thái giám, cung nữ thời nhà Nguyễn.

“Những điều tưởng quen thuộc nhưng lại là những điểm đến hấp dẫn, có giá trị lịch sử rất lớn. Khi đã quan sát kỹ hơn về nơi mình sinh ra và trưởng thành, mới yêu và trân quý hơn thành phố này. Chắc vì lẽ đó chăng mà du khách đến Huế và đã khen Huế hết lời bởi là nơi yên bình, nơi để sống chậm lại; nơi để cảm nhận về những giá trị truyền thống và tìm thấy sự an yên. Thế là tôi quyết định trải nghiệm đi xích lô ngắm thành phố vào ban đêm. Lần này, hai con và các cháu trong nhà cũng được trải nghiệm, ai cũng ấn tượng với thành phố của mình”, chị Trần Thị Mỹ Liên vui vẻ.

Cần có giải pháp kích thích

Ông Vũ Văn Chương, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành nêu vấn đề, thử hỏi chính người dân Huế đã có lần nào trải nghiệm các dịch vụ du lịch, như tham quan hệ thống di sản; nghe ca Huế trên sông Hương; đạp xe khám phá làng cổ Phước Tích, ngôi làng cổ thứ hai được công nhận ở Việt Nam đã có lịch sử hơn 500 năm; trải nghiệm các dịch vụ ở cầu ngói Thanh Toàn; tham quan các làng nghề nổi tiếng như làng hoa giấy Thanh Tiên, nghề đan lát Bao La… hay đến thăm các di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng; khám phá “thiên đường” ẩm thực, tham gia hành trình thưởng thức những món ăn ngon mà tin chắc chính người Huế chưa từng thử qua…

“Đặt vấn đề như thế để khẳng định, sẽ có rất nhiều người Huế chưa khám phá, trải nghiệm hết những điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch mà Huế đang sở hữu. Từ điều này để nói đến một sự việc khác, là chúng ta có thể lựa chọn, lên kế hoạch để đi du lịch hết trong tỉnh, để từ đó mỗi người sẽ là một kênh để quảng bá những điểm đến cho Huế”, ông Chương kỳ vọng.

“Người Huế đi du lịch Huế” là câu slogan không phải mới, mà đã phổ biến từ khi dịch COVID-19 bùng phát cho đến nay. Du lịch tại chỗ (Staycation) chính là chuyến du lịch ở chính nơi đang sinh sống. Sau khi trải nghiệm những chuyến du lịch tại chỗ, nhiều người cảm thấy yêu hơn nơi mình sống. Bởi qua đó, khám phá ra những điều thú vị, những điểm đến hay ho, những trải nghiệm xa hoa mà trước đây họ không mấy quan tâm hoặc vô tình bỏ lỡ.

Theo giới chuyên môn, du lịch tại chỗ trở thành xu hướng du lịch một phần cũng là bởi bất cứ ai khi trải nghiệm đều nhận thấy họ có thể dành nhiều thời gian hơn cho việc thư giãn, nghỉ ngơi. Các chuyến đi dài ngày trước đây có thể cần lên kế hoạch và chuẩn bị trước khá dài, với đủ các công đoạn từ “săn” vé, đặt vé, đặt phòng, book tour, lên lịch trình, sắp xếp hành lý, nhưng với du lịch tại chỗ, tất cả đều “nhanh, gọn, lẹ” một cách bất ngờ.

Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch cho rằng, Huế là điểm đến có thế mạnh về văn hóa, có hệ thống di sản, các làng nghề truyền thống… Huế cũng là điểm đến có khá đầy đủ các loại hình như du lịch biển, du lịch sinh thái, cộng đồng…, tất cả kết hợp lại để Huế có thể đáp ứng được nhiều nhu cầu của người dân trong tỉnh. Nhất là các loại hình phù hợp với thế hệ trẻ tìm hiểu; qua đó, giáo dục, nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc.

Điều này rất có cơ sở, vì như nhiều phụ huynh chia sẻ, mỗi lần trải nghiệm, đến một nơi mới trong tỉnh là các con lại biết thêm về nhiều điều về quê hương. Các con rất hứng thú và cứ đợi cuối tuần để được khám phá.

Phía Hiệp hội Du lịch cho rằng, để thu hút, khuyến khích người dân tham gia du lịch tại chỗ, các điểm đến, doanh nghiệp cần có thêm những chương trình dành riêng cho người Huế. Thực tế lâu nay một số chính sách đã được áp dụng, song cần tạo thành hiệu ứng, quảng bá nhiều hơn để tạo sức lan tỏa. Khi đã xác định du lịch là phải tính đến nguồn thu, vì thế các điểm đến cũng cần chuyên nghiệp hóa, hình thành các dịch vụ phù hợp. Để lâu dài cần chuyên biệt, hình thành các tour tuyến. Tỉnh cần thu hút nhà đầu tư để khai thác du lịch vui chơi giải trí, loại hình rất được du khách bản địa lựa chọn.

Bài, ảnh: Đức Quang