Không nên tự đốt rác nhựa, ni lông

Theo các nhà khoa học, ni lông, túi nhựa là sản phẩm được làm từ dầu hỏa, nghĩa là nó có nguyên tố hóa học hydro và carbon. Khi đốt, chúng sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và fura là chất gây ngộ độc, ảnh hưởng tuyến nội tiết, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng tiêu hóa và các dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ… Trong một số loại túi ni lông có lẫn lưu huỳnh, dầu hỏa nguyên chất, khi đốt cháy gặp hơi nước sẽ tạo thành axít sunfuric dưới dạng các cơn mưa axit, rất có hại cho phổi.

Dù đặc biệt nguy hại đến sức khỏe, ô nhiễm không khí, thế nhưng hiện nay nhiều nơi, nhiều vùng quê vẫn diễn ra tình trạng người dân nhóm lửa đốt rác trong đó có xen lẫn lượng lớn rác nhựa, túi ni lông. Dù đốt nhiều hay ít, túi ni lông, nhựa thải bị cháy đều lan tỏa những luồng khói độc nồng nặc nếu ai ngửi đều khó thở, mệt mỏi.

Chính những nguy hại của chúng, nên xử lý loại rác thải này, người dân không nên tự ý đốt mà hãy để đơn vị chuyên trách thu gom xử lý đúng quy trình, kỹ thuật, an toàn cho môi trường và sức khỏe cộng đồng. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức bằng cách gom gọn để đưa đến các điểm đổ rác đúng quy định; đồng thời phân loại, bán cho những người thu mua phế liệu tái chế.

Hiện nay tại TP. Huế đang triển khai chương trình phân loại rác tại nguồn. Chương trình có sự phối hợp hỗ trợ từ Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam. Trong đó, quy định chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân phải phân thành 3 loại (chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác). Đây là chương trình thiết thực, góp phần giảm tải trong việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt rất mong mọi người chung tay hưởng ứng.

Thêm giải pháp hữu hiệu khác, ngoài sự chung tay của người dân, cần sự hưởng ứng các tổ chức xã hội, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhằm hạn chế và tiến đến bỏ thói quen dùng túi ni lông, đồ nhựa sử dụng 1 lần, cũng như đẩy mạnh các hoạt động tái chế - xem rác thải là nguồn tài nguyên quý giá.

Với giải pháp này, vừa qua, UBND tỉnh đã kêu gọi và ban hành kế hoạch thực hiện phong trào "Nói không với túi ni lông sử dụng 1 lần" trên địa bàn. Trong đó, những giải pháp được đề ra và yêu cầu cụ thể từng cơ quan, đơn vị triển khai, như: khuyến khích các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, các hộ kinh doanh... hạn chế sử dụng túi ni lông sử dụng 1 lần và có lộ trình thay thế bằng các loại túi giấy, túi vải sử dụng nhiều lần, túi thân thiện môi trường, các loại lá...; không sử dụng túi ni lông sử dụng 1 lần tại các hội nghị và hoạt động hằng ngày của các cơ quan, đoàn thể, trường học, cơ sở y tế...

Để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia sản xuất các loại túi đựng thay thế túi ni lông sử dụng 1 lần, cũng như đẩy mạnh việc tái chế, sử dụng rác thải, chính quyền địa phương cần có các chính sách ưu đãi sát sườn hơn cho những hoạt động này.

Bài, ảnh: Song Văn