Nội dung vụ án

 

Từ năm 2000, Hồ Thị Xuân Hương tổ chức đường dây chơi hụi gồm nhiều con hụi ở khu vực chợ Vỹ Dạ tham gia. Tiền thu góp hụi, tiền các con hụi bốc hụi rồi cho Hương vay lại, Hương dùng vào việc sửa chữa nhà cửa, mua sắm đồ dùng trong gia đình, trả lãi vay, nuôi con ăn học, chi tiêu trong gia đình... nên đến cuối năm 2005 và đầu năm 2006, Hương đã bị thâm hụt số tiền lớn. Nhưng nghĩ, hiện tại gia đình Hương còn có một ngôi nhà ở số 20 Tùng Thiện Vương, cha mẹ và các em lại đang định cư ở Mỹ, có thể xin tiền bù đắp sự thâm hụt; một số con hụi thấy vậy cũng tin tưởng, nên khi bốc hụi lại cho Hương vay tiền. Vì vậy, Hương tiếp tục duy trì dây hụi do mình lập ra. Nhưng nợ nần ngày càng chồng chất, tháng 6- 2006 và tháng 9-2008, Hương đã hai lần thế chấp ngôi nhà, vay của Ngân hàng Á Châu hai trăm triệu đồng để thanh toán nợ. Tháng 10- 2008 là đến kỳ bốc hụi và trả nợ tiền vay, không có tiền chi trả, nên vợ chồng và hai con của Hương đã trốn khỏi địa phương. Lúc này, những con hụi mới làm đơn tố cáo, yêu cầu cơ quan điều tra vào cuộc.

Ngày 27-4-2009, Hương về địa phương, đến Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh để trình diện. Quá trình điều tra xác định được Hồ Thị Xuân Hương đã nhận tiền góp hụi và vay của 64 người với tổng số tiền là 2.818.410.000 đồng và 20 chỉ vàng SJC. Ngày 11-5-2010, Hồ Thị Xuân Hương và chồng là Huỳnh Văn Dũng đã bán nhà 20 Tùng Thiện Vương, Vỹ Dạ, Huế trả nợ vay Ngân hàng Á Châu. Số tiền còn lại 637.000.000 đồng, vợ chồng Hương nộp cho Cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả.

Việc xét xử đảm bảo theo quy định của pháp luật

Hồ Thị Xuân Hương bị Tòa án Nhân dân tỉnh xử phạt 14 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Về trách nhiệm dân sự, buộc bị cáo phải trả lại cho 64 người bị hại, tổng số tiền 2.818.410.000 đồng và 20 chỉ vàng SJC. Riêng số tiền 637.000.000đ, vợ chồng Hương đã nộp cho Cơ quan điều tra, Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên tạm giữ để đảm bảo thi hành án.

Trong quá trình tiến hành tố tụng tại phiên tòa, HĐXX thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các trình tự tố tụng theo quy định của pháp luật, giải thích quyền và nghĩa vụ của bị cáo, người bị hại, những người tham gia tố tụng khác. Những người bị hại có mặt tại phiên tòa đã được HĐXX xét hỏi, trình bày ý kiến của mình đầy đủ. Những thiệt hại của họ trình bày phù hợp với lời khai trong quá trình tiến hành tố tụng tại cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai nhận của bị cáo. Vậy nhưng, sau khi phiên tòa kết thúc, một số người bị hại đã có hành vi la hét, gây ồn ào vì cho rằng, họ không được phát biểu về số tiền mà họ bị chiếm đoạt, là không đúng, thể hiện ý thức không tôn trọng pháp luật.

Theo quy định của pháp luật, bị cáo, người bị hại... trong vụ án có quyền kháng cáo bản án, quyết định của tòa án trong thời hạn do pháp luật quy định, để yêu cầu tòa án cấp trên xét xử phúc thẩm. Khi bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án phải có đơn yêu cầu gửi Cơ quan thi hành án dân sự, yêu cầu thi hành án theo quy định của Luật thi hành án dân sự.

Quỳnh Anh