Máy sấy thăng hoa của HTX Narasa từ nguồn hỗ trợ khuyến công

Thành lập đầu năm 2020 tại thôn Quang Lộc, xã Hương Bình (TX. Hương Trà), Hợp tác xã Nông nghiệp Xanh Narasa (HTX Narasa) chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm: nấm ăn (nấm bào ngư, nấm mối đen, nấm hoàng đế, nấm mèo…); nấm dược liệu (linh chi, đông trùng hạ thảo); cung cấp các giải pháp trồng rau sạch tại nhà; thành lập trang trại trồng rau để học sinh, du khách trải nghiệm.

Trong đó, sản xuất nấm đông trùng hạ thảo được xem là mặt hàng chiến lược của HTX Narasa. Theo Giám đốc Lê Ngọc Tuân, nấm đông trùng hạ thảo là loại dược liệu quý, vậy nên, sẽ rất lãng phí nếu không thể giữ được dược tính nguyên bản sau khi hoàn thiện sản phẩm, bán ra thị trường.

“Sử dụng đông trùng hạ thảo tươi là tốt nhất, nhưng do thời gian bảo quản sau khi thu hoạch khá ngắn, chỉ từ 7-10 ngày trong điều kiện phải bảo quản ở tủ lạnh, chưa kể, dược tính, dưỡng chất có thể bị giảm hoặc biến chất vậy nên, giải pháp tối ưu là sấy bảo quản”, ông Tuân nói.

Hiện, có 3 phương pháp sấy bảo quản phổ biến nhất: sấy nhiệt (sấy nóng), sấy lạnh và sấy thăng hoa. Trong đó, phương pháp được đánh giá cao hơn cả, có thể cho ra đời sản phẩm đông trùng hạ thảo đã qua chế biến vẫn giữ được hàm lượng dưỡng chất cao là sấy thăng hoa.

Thời điểm đó, sau khi thu hoạch, do chưa có máy sấy nên HTX Narasa phải đem đi tỉnh khác sấy gia công. Tuy nhiên, việc phụ thuộc vào máy sấy của cơ sở khác khiến không chủ động được thời gian, dẫn tới sản lượng không cao, chất lượng sản phẩm chưa như mong muốn. “Ngoài chi phí tốn kém, mất thời gian, mỗi năm, HTX chỉ có thể đưa ra thị trường 10kg đông trùng hạ thảo khô”, ông Tuân cho hay.

Năm 2021, từ quan tâm của Sở Công thương và Trung tâm Xúc tiến thương mại, HTX Narasa đã đầu tư 1 máy sấy thăng hoa TL2464ZK trị giá 198 triệu đồng, trong đó, nguồn vốn khuyến công hỗ trợ gần 70 triệu đồng phục vụ cho việc sấy nấm đông trùng hạ thảo. Từ khi có máy sấy, HTX đã chủ động trong quá trình sản xuất, giúp năng suất lên đến 70kg/năm, chất lượng sản phẩm tăng cao, doanh thu tăng từ 1 tỷ lên hơn 2 tỷ/năm, số lao động tăng từ 5 người lên 10 người, hiệu quả kinh tế của HTX là thấy rõ.

Cũng từ khi được đầu tư máy sấy thăng hoa, HTX Narasa đã làm chủ tốt quy trình sản xuất, tối ưu các chi phí và chất lượng sản phẩm, tạo uy tín cho các sản phẩm đông trùng hạ thảo khi ra thị trường. Trên nền tảng đó, HTX Narasa đã mở rộng thị trường ra các tỉnh, thành khác với hệ thống nhà phân phối và showroom nhượng quyền tại Quảng Nam, Hội An, Đà Nẵng và gần đây nhất là tại TP. Hồ Chí Minh.

Không chỉ hỗ trợ đầu tư máy sấy thăng hoa, vừa qua, HTX Narasa vừa được nguồn vốn khuyến công hỗ trợ gần 70 triệu đồng đầu tư máy cấp đông nấm tràm trị giá 154 triệu đồng. “Máy cấp đông giúp HTX cấp đông trung bình 3 tạ nấm tràm/ngày, gấp 3 lần trước đây. Điều này vừa giúp HTX tăng năng suất, thu nhập mà còn góp phần lan tỏa một trong những loại nấm được xem là đặc sản của Huế đi khắp các tỉnh, thành bạn”, ông Tuân chia sẻ.

Thời gian qua, Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) đã triển khai nhiều đề án khuyến công, tập trung ưu tiên hỗ trợ sản xuất sản phẩm có lợi thế về vùng nguyên liệu chế biến nông, lâm, thủy hải sản…; hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn nâng cao công nghệ sản xuất, thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa… Qua đó, giúp nhiều cơ sở trên địa bàn tỉnh đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo tính ổn định, bền vững.

Bài, ảnh: Hàn Đăng