Một cá thể khỉ do người dân giao nộp

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Lê Ngọc Tuấn khẳng định, nạn săn bắt và tiêu thụ động vật hoang dã (ĐVHD) trên địa bàn tỉnh đang từng bước được đẩy lùi. Nhận thức của Nhân dân cũng như các hoạt động bảo vệ ĐVHD của các cơ quan chức năng có nhiều tiến bộ rõ rệt. Số vụ vi phạm, săn bắt và tiêu thụ ĐVHD có chiều hướng giảm dần qua các năm. Chỉ trong một vài năm nay, người dân phát hiện, tự nguyện giao nộp nhiều cá thể ĐVHD, trong đó có loài quý hiếm để thả về môi trường tự nhiên.

Các đơn vị kiểm lâm tổ chức lực lượng, thường xuyên tuần tra, gỡ bẫy thú tại các khu vực rừng sâu; đồng thời kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh tại các nhà hàng, quán ăn và xử lý nhiều vụ vi phạm về kinh doanh ĐVHD. Cách đây vài ngày, lực lượng kiểm lâm huyện Phú Lộc phát hiện, xử phạt hành chính một đối tượng có hành vi rao bán ĐVHD trên mạng xã hội. Trước đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng xử phạt một số nhà hàng trên địa bàn tỉnh có hành vi tiêu thụ động vật, sản phẩm ĐVHD trái quy định.

Thả một cá thể khỉ về rừng

Mặc dù đã có nhiều biện pháp đồng bộ, tích cực song nạn săn bắt, tiêu thụ ĐVHD, sản phẩm từ ĐVHD trên địa bàn tỉnh vẫn còn tái diễn. Các hoạt động săn bắt, tiêu thụ diễn ra lén lút, khá tinh vi nên chưa thể phát hiện và xử lý kịp thời, triệt để. Tuần tra, giám sát, gỡ bẫy thú, chim trời kết hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân, từ bỏ thói quen ăn thịt ĐVHD đang được ngành kiểm lâm và cơ quan chức năng tiếp tục triển khai bằng nhiều biện pháp đồng bộ.

Ông Bill Possiel, Giám đốc Bảo tồn của WWF-Việt Nam, đơn vị đồng chủ trì hội thảo kêu gọi các tổ chức và các bên liên quan cùng hợp tác, chung tay hành động nhằm thay đổi nhận thức và thói quen tiêu thụ thịt thú rừng trong các tầng lớp xã hội Việt Nam. Thực tế đã chứng minh bệnh truyền nhiễm từ động vật có thể lây sang người; không ăn thịt rừng là biện pháp tốt nhất để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và các nguồn gen ĐVHD quý hiếm.

Ngày 21/10 vừa qua, WWF-Việt Nam phát động chiến dịch truyền thông giảm cầu tiêu thụ thịt thú rừng nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và thiên nhiên. Người tiêu dùng được cung cấp thông tin về các rủi ro nghiêm trọng khi ăn thịt rừng, từ đó có thể tự quyết định thay đổi hành vi của mình vì sức khỏe của chính họ và cộng đồng. Chiến dịch cũng hướng đến các đối tượng công chúng nói chung nhằm thay đổi quan niệm xã hội, ngăn chặn nguy cơ bùng phát các đại dịch tiếp theo.

Phát hiện một nhà hàng ở TX. Hương Thuỷ tiêu thụ động vật hoang dã

Thời gian tới, các bên đều mong muốn thúc đẩy toàn diện các lĩnh vực, trong mối tương tác giữa con người, động, thực vật và môi trường sinh thái, cam kết hợp tác trong lĩnh vực phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người. Đặc biệt là cam kết các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi nhận thức về tiêu thụ thịt thú rừng. Các tổ chức NGO cũng đề xuất các giải pháp phối hợp, các hoạt động và chương trình nhằm giải quyết những hạn chế, tồn tại của các quy định hiện hành liên quan đến dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người; trong đó có dịch bệnh từ chuỗi cung ứng ĐVHD nhằm đảm bảo sự tham gia đa ngành và thống nhất các bên liên quan.

Hội thảo đã khẳng định tầm quan trọng của các tổ chức NGO trong nỗ lực phòng chống bệnh dịch từ động vật sang người nói chung, nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm và lây truyền bệnh dịch từ việc ăn thịt thú rừng nói riêng. Các tổ chức NGO cũng đã trình bày các chiến dịch, kế hoạch, chương trình, hành động của họ và nêu cao tinh thần, trách nhiệm và sứ mệnh của các tổ chức NGO trong nỗ lực vì sức khoẻ cộng đồng. Đồng thời nâng cao nhận thức cho cộng đồng về an toàn thực phẩm, giảm cầu và kêu gọi công chúng nói không với tiêu thụ thịt thú rừng.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế chia sẻ, hội thảo lần này tập trung vào các giải pháp hỗ trợ triển khai một số mục tiêu, như huy động nguồn lực và trí thức từ các tổ chức NGO để ngăn chặn rủi ro dịch bệnh nguy hiểm từ ĐVHD. Đồng thời tạo khuôn khổ, diễn đàn đối thoại cho các NGO và phối hợp đa ngành nhằm giảm thiểu nguy cơ phát sinh và lây truyền mầm bệnh từ động vật sang người. Mặt khác, tăng cường quản lý an toàn thực phẩm thông qua các hoạt động truyền thông “giảm cầu thịt thú rừng”.

Bài, ảnh: Triều Phương