Buổi tối anh thường tắt điện thoại, vì thời điểm đó mọi người hay nhớ nhau khi ngồi vào bàn nhậu và không đủ người để cùng uống rượu. Tất nhiên là sẽ réo giục: “Mình đang ngồi ở quán A., tới ngay nha, có anh X. từ Hà Nội nữa…”. Những bữa nhậu kéo dài vô bổ, cứ nhắc tới tên người nào là họ lại lấy điện thoại ra, bấm số: “Anh Bảy phải không? Anh tới quán Y. nha, bạn bè tụ họp đợi anh đây”. Thực ra thì đôi khi bữa tiệc đã sắp tàn, những chai rượu chỉ còn vỏ không, và ai cũng say. Anh quen những buổi chiều không về nhà, mà thay vào đó là ghé vào một quán. Lạ cho công việc, lạ cho cái thói quen rẽ xe về những con đường. Những buổi gặp gỡ quen mặt, những buổi gặp gỡ không quen mặt ấy cứ trôi qua những ngày, những tháng. Còn bây giờ là những buổi chiều trôi nhẹ nhàng, là những lãng quên, bởi những gương mặt mới đã thay thế. Mà dẫu có tới quán, anh cũng có cảm giác như mình đã không còn thích hợp với đám đông.

Thành phố này nhỏ, nếu không nói là ra ngõ gặp người quen. Trong bao nhiêu năm làm giám đốc, gần như anh quen hết mọi người, và tất nhiên quán xá lớn nhỏ gần như đều nằm trong lòng bàn tay của anh. Ngày anh về hưu, anh tổ chức buổi tiệc chia tay gọi là. Buổi tiệc vắng khách, vắng đến độ buồn muốn khóc, bởi hôm đó trùng vào đám cưới của con một giám đốc đương quyền.

Có người hỏi anh sao bao nhiêu năm trôi qua, anh không tranh thủ mua đất làm ít mẫu cà phê, hoặc chí ít ra thì mở công ty hay xây khách sạn mà kinh doanh để vui hưởng tuổi già. Anh lắc đầu: “Mình chỉ thích đi đây đi đó mà thôi. Vả lại mình đã già rồi, đâu cần kiếm tiền làm gì?”. Anh nói thật lòng, còn mọi người lại nghĩ rằng sau bao nhiêu năm làm việc, chắc anh đã để dành đủ một số tiền, như thế anh không cần phải làm giàu nữa.

Cứ thế, những cuộc gặp gỡ vơi dần, những người bạn ngày xưa giờ có những người bạn mới, bề gì thì họ vẫn còn làm việc, vẫn còn điều mà trong cuộc nhậu có thể đem ra so đo đong đếm. Còn anh thì chỉ còn là quá khứ.

Mọi người trách anh sao vội vã về hưu sớm, mà cái chức của anh đã biết bao nhiêu người hăm hở. Anh lắc đầu: “Phải nhường cho người khác”. Cái tính anh là vậy đó. Anh vẫn biết cuộc sống vốn lạnh lùng, khi trong quan hệ với nhau chỉ là những đãi bôi, mà mục đích chính là dựa dẫm lẫn nhau để sinh tồn. Những món quà biếu xén nhân dịp lễ tết kia không phải là ân tình, mà chính là sự trao đổi, là mua lấy lòng nhau. Anh gần như không uống rượu, cho nên những chai rượu tặng với anh chỉ là những vật bày trong tủ kính, vậy thôi.

Nhớ cái thuở khi hai vợ chồng từ tận miền Bắc vào đây lập nghiệp, anh chỉ là một ông phó phòng, vợ anh xứng danh là một người vợ giỏi, đi thuê đất nuôi heo, nuôi gà. Thủy vợ anh một mình bươn chải gây dựng cơ ngơi. Ngay căn nhà anh đang ở cũng từ những đồng tiền mồ hôi mà Thủy thức khuya dậy sớm, chẳng tơ vương gì hết vào Nhà nước. Từ tay người phụ nữ yêu thương anh hết mực đó, mà hai vợ chồng nuôi hai con ăn học thành tài. Thủy nói với anh rằng, điều quan trọng trong cuộc sống chính là nhận được niềm vui, chị còn nói là anh không phù hợp với nghề công chức, chẳng qua là số phận đưa đẩy thế thôi. Mà lạ, những bữa tiệc ê hề với những món đặc sản thừa mứa chẳng làm anh ngon miệng. Giờ anh thích những đọt khoai lang do chính tay anh trồng ở vạt đất sau nhà đem luộc chấm với cá kho. Cái phù du kia đã qua, anh còn lại trong căn nhà rộng thênh thang. Cả hai đứa con sau khi có vợ chồng đã vào tận Sài Gòn lập nghiệp. Vợ anh nhớ con cũng khăn gói đi theo. Anh chỉ còn một mình trong mênh mông nhớ.

Con phố trước nhà anh nằm bên cạnh một công viên. Nguyên công viên xưa kia chỉ là một bãi đất hoang, để mặc cho lau sậy mọc. Rồi đến mùa đông thì nơi này tràn ngập hoa dã quỳ. Hoa dã quỳ ở đây không đẹp bằng Đà Lạt, nhưng cũng cuốn hút không biết bao nhiêu người tìm tới. Thật ra thì anh cũng chẳng có thời giờ để ngắm những bông hoa dã quỳ, anh còn bận bịu biết bao nhiêu công việc. Bây giờ anh rảnh rỗi thì những bông hoa dã quỳ kia chỉ còn là kỷ niệm. Bỗng dưng anh luyến tiếc những bông hoa giống như một nhà thơ buâng khuâng hoài niệm về một cuộc tình đã mất. Buổi sáng anh chạy bộ suốt chiều dài công viên, về nhà tắm rửa, anh ra quán cà phê có trồng nhiều hoa, nhâm nhi cà phê. Anh không thích tới quán cà phê ngày xưa, bởi ở đó anh sẽ nhận ra được sự đãi bôi của nhân gian. Mọi người sẽ bắt tay anh xã giao, rồi họ tách ra to nhỏ chuyện làm ăn. Bởi bề gì giờ đây anh cũng đã trở thành một người ngoài cuộc, anh và họ đã có ranh giới. Anh lặng lẽ lựa chỗ cho riêng mình, nơi đây không có những nhỏ to, cũng chẳng có những cái bắt tay giả tạo. Anh cứ nhìn những giọt cà phê nhỏ xuống, anh cứ nghe gió len vào trong cỏ cây.

Cà phê xong, anh lấy chiếc xe đạp thể thao, thong dong đạp từng vòng. Anh chưa muốn về nhà. Căn nhà im ắng lắm, vậy thì cứ đi theo con đường ngắm nhìn cái rộn ràng của thế sự đôi khi lòng sẽ reo vui. Cứ thế, những vòng xe đưa anh ra ngoại ô lúc nào anh không hay.

Anh bất chợt gặp giữa mênh mông một rừng hoa lau chỉ là một loài hoa dại, nhưng những bông hoa nở trắng tạo ra một không gian đẹp đến nao lòng người. Nhưng cơn mưa mùa bỗng chốc đã biến những hạt giống lang thang nằm đợi chờ dưới đất đâm chồi, và chúng vội lớn để bung ngập trời những bông lau trắng. Nắng tan trong những bông lau, một vẻ đẹp thuần khiết. Anh ngắm nhìn một không gian lau trắng ấy, lóa ánh nắng mặt trời.

Một người đàn ông đứng bên cạnh anh tự bao giờ. Anh tưởng là một người khách qua đường, cũng bất chợt dừng chân ngắm nhìn hoa lau. Anh ta gọi anh trong hoa lau đang nở: “Anh còn nhớ tôi không?”. Anh xoay mặt, nhìn. Anh không thể nào nhớ được, có thể là một người gặp trong một cuộc họp nào đó, hay cùng đi chung một chuyến du lịch. Anh cười.

Người đàn ông cười hồn nhiên: “Cách đây 5 năm, nhờ anh mà tôi đã cứu được con gái tôi. Sau đó tới cơ quan thì họ bảo anh đã xin hưu sớm”. Rồi người đàn ông ấy vuốt nhẹ những bông hoa lau: “Con gái tôi rất thích loại hoa dại này, tôi định hái một ít đem về cho nó”.

Anh chợt nhớ đó là một ngày mưa, anh tình cờ đi ngang bệnh viện và gặp người đàn ông đang ôm đứa con gái nhỏ đứng dưới vòm che cổng bệnh viện. Chỉ là ngẫu nhiên của tình người, anh dừng xe hỏi han. Người đàn ông đó từ quê lên, con anh bị sốt nặng, anh lại bị bọn trộm cướp mất túi xách. Chỉ còn biết đứng dưới mưa mà khóc. Anh đã đưa hai cha con vào bệnh viện, lo viện phí, giúp cho cô bé trị bệnh.

Trong mênh mông cuộc sống này, anh đã giúp cho biết bao người, anh không nhớ mặt họ. Với anh, điều đó là điều nên làm và anh vẫn làm như thế ngay cả khi anh đã nghỉ hưu.

 “Mình có thể uống một ly nước không?” Người đàn ông hỏi anh. Anh gật đầu. Họ ghé vào một quán gần. Người đàn ông lấy điện thoại ra, cho anh xem ảnh của con gái mình. Trên bàn là những bông hoa lau.

Anh mỉm cười như thể những bông lau cũng đang cười theo.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG