Ông Rishi Sunak chính thức trở thành Thủ tướng Anh. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN/Vietnam+
Nhiều thách thức
Ông “kế thừa” chức vụ khi nền kinh tế của Vương quốc Anh đang suy thoái và đối mặt với nhiều thách thức.
Được biết, Thủ tướng sắp mãn nhiệm Liz Truss đã từ chức sau khi ngân sách cắt giảm thuế của bà đã gây ra một làn sóng chấn động khắp các thị trường và sụp đổ của đồng Bảng Anh.
Về tình hình của nền kinh tế Anh hiện tại, dữ liệu mới đây chỉ ra rằng, suy thoái kinh tế của Anh đã trở nên tồi tệ hơn trong tháng 10, với sản lượng của khu vực tư nhân ở mức thấp nhất trong 21 tháng.
Chris Willianson, nhà kinh tế trưởng tại S&P Global Market Intelligence nhận xét: “Dữ liệu chỉ số quản lý thu mua (PMI) của tháng 10 cho thấy tốc độ suy giảm kinh tế ngày càng tăng sau những biến động của thị trường tài chính và chính trị gần đây”.
Nhà kinh tế trưởng giải thích rằng, sự bất ổn chính trị và kinh tế gia tăng đã khiến hoạt động kinh doanh giảm với tốc độ chưa từng thấy trước đây. Cụ thể là từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, nếu không kể đến những tháng bế tắc do đại dịch COVID-19 gây ra.
Dữ liệu sắp tới có thể cho thấy nước Anh đã suy thoái, ông Chris Willianson cho biết thêm.
Chỉ số nhà quản lý mua hàng tổng hợp S&P Global/CIPS của Vương quốc Anh đứng ở mức 47,2 trong tháng 10, thấp hơn mức 49,1 ghi nhận trong tháng 9. Trong đó, chỉ số dưới 50 là minh chứng cho thấy một sự “co lại”.
Dù vậy, Anh không cô đơn. Đặc biệt là với dữ liệu S&P cho thấy “suy thoái” cũng sắp xảy ra ở Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Với việc ông Rishi Sunak trở thành Thủ tướng của Anh, điều này được coi là mang lại sự ổn định cho thị trường, thúc đẩy tăng giá của đồng Bảng Anh và hạn chế giảm sản lượng.
“Các nhà đầu tư hy vọng Tân Thủ tướng Rishi Sunak sẽ ổn định được nền kinh tế và tình hình chính trị - mặc dù sẽ rất khó để giải quyết vấn đề tại thời điểm này”, nhà phân tích tài chính Danni Hewson của AJ Bell cho biết.
Cùng với sự phục hồi của đồng Bảng Anh và chi phí đi vay của chính phủ giảm, Tân Thủ tướng Rishi Sunak sẽ rất vui khi chứng kiến giá khí đốt ở châu Âu giảm.
Tuy nhiên, với lạm phát ở Anh đang đạt mức cao nhất trong 40 năm, cụ thể là trên 10%, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ công bố một đợt tăng lãi suất tại một cuộc họp chính sách thường kỳ vào tuần tới.
Shevaun Haviland, Tổng Giám đốc Phòng Thương mại Anh kêu gọi Tân Thủ tướng cũng triển khai giúp đỡ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn với các hóa đơn năng lượng khổng lồ.
Bà chia sẻ trong một tuyên bố sau khi ông Rishi Sunak chính thức trở thành Thủ tướng Anh rằng: “Sự bất ổn chính trị và kinh tế trong vài tháng qua đã gây tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin kinh doanh của người Anh và bây giờ phải chấm dứt. Tân Thủ tướng phải là người vững tay lái để đưa nền kinh tế vượt qua những thách thức phía trước. Điều này có nghĩa là đặt ra các kế hoạch chi tiêu đầy đủ để đối phó với những vấn đề lớn mà doanh nghiệp phải đối mặt; hóa đơn năng lượng tăng vọt, tình trạng thiếu lao động, lạm phát gia tăng và lãi suất leo thang”.
Cam kết của Tân Thủ tướng
Trong một thông tin liên quan, trở thành Thủ tướng của Anh, ông Rishi Sunak cam kết sẽ dẫn dắt nền kinh tế đất nước thoát khỏi một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc và tái xây dựng niềm tin vào chính trị.
Sau khi nhậm chức, ông Sunak nhanh chóng tái bổ nhiệm ông Jeremy Hunt làm Bộ trưởng Tài chính trong một động thái được đưa ra để làm dịu các thị trường vốn đã gây khó khăn cho các kế hoạch kinh tế dựa trên nợ của người tiền nhiệm. Ngoài ra, ông cũng phục hồi chức vụ Phó Thủ tướng cho ông Dominic Raab, trong khi Ngoại trưởng Anh là ông Jame Cleverly và Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace vẫn tại vị.
Thêm vào đó, ông Rishi Sunak cũng cam kết sẽ thống nhất đất nước và đặt tên cho một nội các được thu hút từ các cánh của Đảng nhằm chấm dứt các cuộc đấu đá nội bộ và những thay đổi chính sách đột ngột khiến các nhà đầu tư bất ngờ, kinh hoàng và cảnh báo các đồng minh quốc tế.
Được biết, Thủ tướng Rishi Sunak đã ca ngợi tham vọng của người tiền nhiệm là bà Liz Truss trong việc phục hồi tăng trưởng kinh tế, song cùng lúc ông cũng thừa nhận còn tồn tại sai sót.
“Tôi đã được bầu làm lãnh đạo Đảng. Sau tất cả những gì đã xảy ra, tôi hiểu rằng mình còn nhiều điều phải làm để hồi phục lòng tin. Những gì tôi có thể nói là tôi sẽ không nản lòng. Tôi hiểu rõ chức vụ mà tôi đảm nhận và tôi hy vọng mình sẽ đáp ứng đủ yêu cầu mà nhiệm vụ đặt ra”, Thủ tướng Rishi Sunak chia sẻ.
Theo đó, vị lãnh đạo có kế hoạch cắt giảm chi tiêu công để bù đắp cho khoản lỗ ước tính 40 tỷ Bảng Anh (tương đương với 45 tỷ USD) do suy thoái kinh tế, chi phí vay nợ cao hơn và chương trình hỗ trợ năng lượng.
Giờ đây, việc ông phải làm là xem xét lại tất cả các khoản chi tiêu, bao gồm trong các lĩnh vực như giáo dục, quốc phòng, phúc lợi và lương hưu. Đối diện với nhiều khó khăn, vị lãnh đạo cam kết sẽ đặt sự ổn định kinh tế và sự tự tin vào trung tâm của chương trình nghị sự của mình.
HẠNH NHI
(Tổng hợp và lược dịch từ Khmer Times & CNA)