Những tác phẩm của các nữ họa sĩ đất Cố đô trưng bày trong “Hương sắc Huế”

Trong không gian Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng - cũng là nơi Bảo tàng Mỹ thuật Huế đóng trụ sở (15 Lê Lợi), những ngày này nhiều người ra vào đây tham quan bộ sưu tập nổi tiếng của danh họa họ Lê sẽ không thể bỏ qua một phòng tranh khác đang triển lãm bên trong có tên: “Hương sắc Huế”.

Như thành thông lệ, cứ đến dịp cuối tháng 10, giới nữ họa sĩ Huế lại tụ hội và tạo nên một cuộc chơi cho riêng mình. Họ, có người là họa sĩ chuyên nghiệp, thành viên của hội mỹ thuật; có người là giáo viên, họa sĩ tự do; có người vẫn đang là sinh viên... Xem tranh, người ta có thể nhận ra điểm chung trong mỗi tác phẩm có sự mềm mại, có tính nữ riêng biệt nhưng luôn mạnh mẽ trong từng sáng tạo, chẳng thua gì giới nam đồng nghiệp.

Tác phẩm “Duyên 3” của họa sĩ Đặng Thị Thu An

Năm nay, phòng tranh “Hương sắc Huế” giới thiệu đến công chúng 45 tác phẩm của 32 nữ họa sĩ chuyên và không chuyên; sáng tác đa dạng chất liệu như sơn dầu, acrylic, sơn mài, đồ họa, trúc chỉ, lụa, tổng hợp. Các sáng tác được bài trí một cách ấm áp, dễ thương, gây được sự kích thích, tò mò với những ai thoáng qua.

Mỗi tác phẩm, mỗi chất liệu mang những dấu ấn riêng của từng tác giả. Nhưng ở đó ta bắt gặp điểm chung khi hầu hết các tác phẩm đều được thể hiện một cách đầy nội tâm, đầy cảm xúc, như cách trải lòng, tự sự về tình yêu, cuộc sống, gia đình, quê hương, thế giới tự nhiên lẫn những ước vọng… Và đâu đó, còn có sự xao động, trăn trở về cuộc sống, về tương lai và nghệ thuật.

Tác phẩm sơn mài “Duyên sen” của họa sĩ Trương Thị Hương Xuân

Trong không gian ấy, người xem sẽ nhận ra những cô thiếu nữ Huế trong trang phục áo dài truyền thống qua nét cọ đầy cảm xúc của nữ họa sĩ Đặng Thị Thu An. Áo dài là hồn cốt, là nét đẹp văn hóa truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Lấy cảm hứng từ đó, Thu An đã đưa người xem lạc vào thế giới hội họa với những gam màu có khi hoài cổ, nhưng cũng có khi cách tân, hiện đại. Tất cả đã cho thấy cách nhìn, định hướng của nữ họa sĩ này trong việc đưa những câu chuyện nghệ thuật, các giá trị văn hóa vào trang phục ẩn hiện nhằm tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ và mong muốn góp phần gìn giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt.

Những tác phẩm dễ thương, hồn nhiên của những họa sĩ nữ khác cũng khắc họa một phần cuộc sống bình yên, nhẹ nhàng như cách mà họ đã trải qua và luôn hướng tới. Có cảnh sắc Huế bình yên giữa những khung cảnh cổ kính, với kiến trúc xưa cổ tạo nên hồn cốt riêng biệt của vùng đất Cố đô. Có những khu vườn với tổ ấm bình yên. Hay đơn giản là những nét cọ đặc tả tĩnh vật rất chân phương, dịu dàng… Cứ thế, những tác phẩm ấy như níu kéo người xem không phải sự sắc sảo nhưng luôn có điều gì đó mạnh mẽ, ẩn chứa cái đẹp sâu thẳm bên trong.

Đứng trước những tác phẩm của các họa sĩ nữ, họa sĩ Nguyễn Thiện Đức - Chủ tịch Hội Mỹ thuật tỉnh, cũng là đại diện cho phái nam đã không khỏi trầm trồ, khen ngợi và dành những lời có cánh cho họ. Theo họa sĩ Nguyễn Thiện Đức, một thực tế hiển nhiên rằng nửa bầu trời, nửa thế giới này là phụ nữ, họ là những con người có công kiến tạo thế giới, nguồn cảm hứng tình yêu của loài người, nguồn cảm xúc của loại hình nghệ thuật và là biểu tượng của cái đẹp.

Phụ nữ còn là hiện thân trọn vẹn qua hình ảnh những người mẹ, vợ, chị, em từng ngày âm thầm chịu thương chịu khó để chăm lo, vun đắp cuộc sống, góp phần gìn giữ giá trị văn hóa gia đình, xã hội, đất nước. Và họ biết cách sống vì mọi người, luôn sẻ chia, bao dung và cố vươn lên trong cuộc sống. Chính những biểu hiện tốt đẹp đó đã giúp ta nhận ra được vẻ đẹp tâm hồn nơi họ. Vì thế, khi chuyển tải bằng tác phẩm, các nữ họa sĩ đã khắc họa rõ rệt hơn vẻ đẹp tâm hồn của không chỉ phụ nữ mà còn là những người phụ nữ đam mê sáng tạo.

Để thực hiện đam mê này, theo ông Đức, các nữ họa sĩ phải vừa làm tròn thiên chức làm mẹ, làm vợ, vừa lo chu toàn cuộc sống gia đình, lại vừa dành thời gian, công sức để sáng tạo nghệ thuật. “Đó là điều đáng ngưỡng mộ, bởi không hề dễ dàng để đạt được giữa cuộc sống bộn bề và con đường nghệ thuật đầy gian khó”, ông Đức nhận định.

Bài, ảnh: NHẬT MINH