Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc giữa Nga và Ukraine giúp giảm nhẹ khủng hoảng lương thực toàn cầu. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN/Vietnam+

Theo đó, vào ngày 29/10, Nga đã tạm dừng vô thời hạn vai trò của mình trong thỏa thuận Biển Đen, bởi họ cho rằng không thể “đảm bảo an toàn cho các tàu dân sự” đi theo thỏa thuận sau một cuộc tấn công vào khu vực Biển Đen của đất nước.

Liên Hiệp Quốc và Nhổ Nhĩ Kỳ, hai bên trung gian chính của thỏa thuận này đã nỗ lực để cứu lấy thỏa thuận. Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho biết, ông bày tỏ thái độ quan ngại sâu sắc và đã hoãn chuyến công du nước ngoài để cố gắng khôi phục thỏa thuận nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Theo các nhà phân tích, sau động thái của Nga, giá lúa mì trên các thị trường hàng hóa quốc tế dự kiến sẽ tăng vọt vào ngày 31/10, bởi cả Nga và Ukraine đều nằm trong số các nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới.

Hơn 9,5 triệu tấn ngô, lúa mì, hướng dương, lúa mạch, hạt cải dầu và đậu nành đã được xuất khẩu kể từ tháng 7. Theo nội dung thỏa thuận, một Trung tâm Điều phối chung (JCC) - bao gồm các quan chức Liên Hiệp Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Ukraine, đã nhất trí về việc vận chuyển của các tàu chở ngũ cốc.

Được biết, đã không có chuyến tàu nào di chuyển qua hành lang nhân đạo hàng hải vào ngày 30/10. Song trong một tuyên bố, Liên Hiệp Quốc cho biết rằng họ đã nhất trí với Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ về kế hoạch vận chuyển của 16 tàu vào ngày 31/10, gồm 12 chuyến rời cảng và 6 chuyến về cảng.

Trong một thông tin có liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar đã liên lạc với những người đồng cấp phía Nga và Ukraine để tìm cách cứu vãn thỏa thuận và yêu cầu các bên tránh mọi hành động khiêu khích.

NATO và Liên minh châu Âu cũng hối thúc Nga xem xét lại quyết định của mình.

Đan Lê (Lược dịch từ Reuters)