Ngoài điều chỉnh lãi suất, các ngân hàng đều triển khai nhiều chương trình ưu đãi nhằm hút vốn
Sức hút từ kênh tiết kiệm
Nắm được thông tin Ngày Phụ nữ Việt Nam, các ngân hàng đều có các chương trình ưu đãi tặng thêm lãi suất cho khách hàng nữ, chị Lê Thị Phương Nhi, Quảng Điền đã gom số vốn dự định đầu tư bất động sản để gửi tiết kiệm. Theo chị, kênh bất động sản hiện nay không còn “màu mỡ” vì ngân hàng vẫn đang siết cho vay nên lượng giao dịch giảm khiến khả năng thanh khoản thấp. Ngoài ra, giá bất động sản hiện cũng đã quá cao so với thực tế nên khả năng sinh lời sẽ không cao. Với các kênh chứng khoán hay vàng hiện cũng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong khi đó, đầu tư vào tiết kiệm hiện khá ổn định ở mức gần 8%, đây tạm thời được xem là kênh đầu tư với mức sinh lời chấp nhận được. Đó cũng là tâm lý chung của rất nhiều người khi lựa chọn đầu tư vào kênh tiết kiệm thông qua hệ thống ngân hàng.
Làm một so sánh nhỏ, nếu như thời điểm này năm trước, lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng chỉ giao động từ 5,6 đến 5,8%/năm thì hiện tại đã tăng lên 6,8% đến 8%/năm.
Không chỉ tăng lãi suất, các ngân hàng còn đẩy mạnh chương trình khuyến mại, cộng thêm lãi suất để thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư. Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) là một ví dụ. Khi ngoài duy trì mức lãi suất cao, ngân hàng này còn triển khai chương trình khuyến mại hấp dẫn “SHB 29 năm – trao tri ân, nhận gắn kết” dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Theo đó, từ ngày 17/10/2022 đến ngày 28/2/2023, khách hàng cá nhân sẽ nhận được quà tặng có giá trị tương đương lãi suất 0,58%/năm khi gửi tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi từ 10 triệu đồng tại quầy và được cộng ngay lãi suất ưu đãi 0,58%/năm khi gửi online áp dụng đối với các sổ tiết kiệm/hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Các ngân hàng khác còn triển khai các chương trình tiết kiệm dự thưởng hay tặng quà cho khách hàng khi tham gia gửi tiết kiệm. Trong đó, Agribank ưu tiên triển khai các chương trình tiết kiệm dự thưởng mà mới nhất là chương trình “Agribank – sức sống xanh” với tổng giá trị giải thưởng 17,1 tỷ đồng với giải đặc biệt là 1 sổ tiết kiệm có kỳ hạn trả lãi sau toàn bộ trị giá một tỷ đồng.
Giám sát việc điều chỉnh lãi suất
Không thể phủ nhận, lãi suất tăng đang góp thêm điểm cộng cho kênh đầu tư gửi tiết kiệm và đó cũng là lý do khiến dòng vốn nhàn rỗi đang có xu hướng trở lại ngân hàng khi các kênh đầu tư khác không còn an toàn.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, đến cuối tháng 9/2022, tổng vốn huy động tại các TCTD trên địa bàn đạt 59.216 tỷ đồng, tăng 3.596 tỷ đồng, tương ứng tăng 6,46% so với cuối năm 2021. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm đạt 39.630 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 66,9% tổng vốn huy động, tăng 4,11% so với đầu năm; tiền gửi thanh toán đạt 18.046 tỷ đồng, tăng 8,22% so với đầu năm, chiếm tỷ trọng 30,5% tổng vốn huy động. Dự ước đến cuối tháng 10/2022, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 60.000 tỷ đồng, tăng 7,87% so với đầu năm.
Nguyên nhân cho sự tăng trưởng của nguồn vốn huy động tại hệ thống ngân hàng một phần do lãi suất huy động tiền gửi trên thị trường đã tăng rất mạnh. Hiện mặt bằng lãi suất huy động tại hầu hết ngân hàng đều đang cao hơn so với giai đoạn 2020-2021 từ 1,5-2,5 điểm %.
Ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Thừa Thiên Huế thông tin, NHNN tỉnh sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định của NHNN Việt Nam về lãi suất. Trong thời gian này, các TCTD trên địa bàn đã chấp hành nghiêm túc quy định về lãi suất huy động theo Quyết định số 1607/QĐ-NHNN ngày 22/9/2022 của NHNN Việt Nam “về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo theo quy định tại Thông tư 07/2014/TT-NHNN ngày 17/3/2014” và thực hiện điều chỉnh tăng phù hợp với diễn biến kinh tế thị trường.
Bài, ảnh: Hoàng Anh