Nhiều dự án xây dựng ở địa phương chậm tiến độ do cơ chế Luật Đất đai còn hạn chế, bất cập
Chồng chéo
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), quá trình triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2013 đã phát sinh những vướng mắc, tồn tại nhiều bất cập là chưa có sự thống nhất với Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư… gây ảnh hưởng đến việc triển khai các công trình, dự án (DA) tại các địa phương. Cụ thể, chuyển đổi mục đích từ đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện các DA phức tạp, kéo dài khiến nhiều DA chậm tiến độ.
Việc giao đất, cho thuê đất vẫn còn tình trạng chậm đưa đất vào sử dụng so với tiến độ ghi trong DA đầu tư gây lãng phí đất đai. Quy trình bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư (TĐC) phức tạp, mất nhiều thời gian thực hiện và khiến nhiều người dân chưa đồng tình.
Tại khoản 5 Điều 86 có quy định bồi thường bằng việc giao đất phi nông nghiệp cho cộng đồng dân cư đang sử dụng đất, bị nhà nước thu hồi đất và đủ điều kiện bồi thường về đất. Tuy nhiên, tại Điều 57 quy định về giao đất có thu tiền sử dụng đất không có quy định giao đất phi nông nghiệp cho cộng đồng dân cư nên không có trình tự, thủ tục để thực hiện việc giao đất, xác định giá đất để giao.
Lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phong Điền chia sẻ, hiện nay Luật Đất đai năm 2013 nhiều điểm, khoản không còn phù hợp với thực tiễn, ảnh hưởng đến công tác GPMB, giao đất triển khai các DA. Tuy nhiên, do cơ chế chính sách, quy định về khung giá đất, bảng giá đất chưa hợp lý, ảnh hưởng rất lớn đến việc xác định giá từng loại đất cụ thể để bồi thường cho người dân ảnh hưởng, dẫn đến tiến độ DA kéo dài.
Huyện Phong Điền đề xuất sửa đổi, bổ sung các vấn đề vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất đai, giải quyết hài hòa lợi ích các bên, giúp công tác quản lý đất đai chặt chẽ, thúc đẩy phát triển KT-XH...
Sửa đổi để gỡ khó
Lãnh đạo Sở TN&MT cho biết, qua Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi được lấy ý kiến thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, nhiều chương, mục được tỉnh đề xuất sửa đổi, bổ sung, như: vấn đề giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu DA có sử dụng đất và các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất. Chuyện thu hồi, trưng dụng đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng qua các "DA đầu tư thực hiện trong các khu chức năng khu kinh tế". Qua đó nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, đặc biệt thuận lợi cho các nhà đầu tư vào đầu tư tại khu kinh tế để phát triển KT-XH theo đúng định hướng của Nhà nước về chính sách phát triển khu kinh tế đã được Thủ tướng Chính phủ thành lập.
Đối với việc sử dụng các loại đất, đặc biệt đất khu công nghiệp, tại khoản 2, Điều 168, tỉnh đề xuất bổ sung thêm nội dung "Đối với các địa phương có khu công nghiệp tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, cho phép Nhà nước trực tiếp cho nhà đầu tư thứ cấp được thuê đất để sản xuất, kinh doanh mà không phải thông qua thuê lại đất của nhà đầu tư hạ tầng. Lý do này cũng nhằm tạo điều kiện để phát triển các khu công nghiệp ở các vùng này, tạo công việc người dân, tăng nguồn thu ngân sách...
Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đề xuất vấn đề bồi thường, hỗ trợ, TĐC khi Nhà nước thu hồi đất, đặc biệt khi Nhà nước thu hồi gây thiệt hại đối với vật nuôi là thủy sản được bồi thường thiệt hại thực tế theo mức bồi thường cụ thể do UBND cấp tỉnh quy định. Lý do là đơn giá bồi thường do UBND cấp tỉnh quy định để thống nhất, thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện nhằm đẩy nhanh tiến độ GPMB, góp phần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi và Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương đã bỏ Khung giá đất, tiến đến xây dựng bảng giá đất hàng năm. Để đảm bảo việc xác định giá đất cụ thể phù hợp giá thị trường, đảm bảo tránh thất thu ngân sách của địa phương, Thừa Thiên Huế đề nghị bổ sung thêm nội dung: "Việc xác định giá đất cụ thể đối với các khu đất hoặc thửa đất có giá trị từ 20 tỷ đồng trở lên (tính theo bảng giá đất hàng năm); các khu đất đưa ra đấu thầu có diện tích từ 20ha thì cần phải được HĐND tỉnh thông qua giá đất cụ thể trước khi UBND cùng cấp phê duyệt"...
Qua chia sẻ của lãnh đạo phòng, ban chức năng ở huyện, thị xã đề xuất, hiện nay có nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng kẽ hở của Luật Đất đai 2013 để tách nhỏ đất nông nghiệp ở nhiều địa phương; sau đó chuyển nhượng cho nhiều người dưới dạng đồng sử dụng, dẫn đến nhiều hệ lụy cho công tác quản lý đất đai.
Thực tế trên là kiểu "lách luật" để phân lô, bán nền đất nông nghiệp nhưng các địa phương chưa có giải pháp hữu hiệu ngăn chặn. Hệ lụy này là nếu các xã, phường, thị trấn không quản lý chặt rất dễ dẫn đến xây dựng trái phép, phá vỡ quy hoạch. Đồng thời, khi Nhà nước cần thu hồi đất để triển khai DA sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, các địa phương mong muốn Luật Đất đai sớm sửa đổi, bổ sung để có giải pháp ngăn chặn tình trạng trên.
Bài, ảnh: Song Minh