Câu chuyện “được mùa mất giá” lặp đi lặp lại không biết bao lần với nông sản Việt Nam. Mới tháng trước, câu chuyện dưa hấu “đắng”, hành tím “cay” chưa kịp lắng, nay khoai lang tím Nhật Bản ở đồng bằng sông Cửu Long lại rớt giá thê thảm. Cây vải thiều ở miền Bắc chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch rộ vẫn ngay ngáy lo vì đầu ra bấp bênh... Với ngành sản xuất lúa gạo, lâu nay chúng ta vẫn tự hào đứng nhất, đứng nhì thế giới về sản xuất gạo, nhưng lượng gạo xuất khẩu chủ yếu là phẩm cấp thấp, giá thấp. Người trồng lúa một nắng hai sương, nhưng thu nhập chẳng là bao, phập phồng khi được mùa. Chính phủ nhiều năm nay phải can thiệp thông qua chính sách hỗ trợ lãi suất mua trữ lúa gạo.

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do cung vượt cầu, chất lượng nông sản còn thấp, thiếu sự gắn kết giữa sản xuất và chế biến, tiêu thụ, công tác thị trường chưa tốt, còn lệ thuộc vào một số thị trường, nhất là thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ những tin đồn thất thiệt. Chẳng hạn, khoai lang tím Nhật Bản là cây trồng truyền thống của người dân, tiêu thụ tốt, đùng một cái xuất hiện thông tin ăn khoai lang bị bệnh làm cho người tiêu dùng nghi ngại. Trên địa bàn tỉnh, chuyện này đã xảy ra đối với gạo Hồng Ngọc ở huyện Phú Vang. Giống lúa có nguồn gốc rõ ràng, giá trị dinh dưỡng cao, chất lượng cơm thơm ngon, giá bán cao hơn giống lúa khác từ 1,5-2 lần, nay chẳng bán được vì tin đồn gạo có nhiều chất tinh bột gây bệnh tiểu đường...
          Nông nghiệp là một trong các trụ đỡ quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, nhưng lâu nay không phát triển đúng với tiềm năng. Những bất cập và nguyên nhân yếu kém của nền nông nghiệp nước ta được nhận diện. Vấn đề còn lại, cần phải có những giải pháp căn cơ, triệt để. Theo đó, cần phải làm kỹ hơn, cụ thể hơn quy hoạch sản xuất nông nghiệp như: về diện tích, sản lượng nông nghiệp từng vùng; về chủng loại cây trồng, vật nuôi, sản lượng từng mùa vụ...
Đi đôi với công tác quy hoạch, cần đầu tư nâng cao chất lượng và giá trị của nông sản. Để làm được điều này, cần có cơ chế, chính sách phù hợp xây dựng mối liên kết 4 nhà chặt chẽ (Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà nông) trong quá trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản. Thông qua mối liên kết này, các doanh nghiệp ứng vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, còn nông dân yên tâm sản xuất, đảm bảo thu nhập chẳng phải phập phồng về đầu ra. Chẳng hạn, mới đây Trường đại học Nông Lâm Huế ký kết hợp đồng sản xuất và phát triển sản phẩm sinh học Pseudomonas với Công ty cổ phần Bình Điền - Mekong. Theo đó, công ty sẽ cùng tham gia sản xuất, mua và phân phối sản phẩm sinh học Pseudomonas cho bà con nông dân các vùng trồng tiêu. Đây là mô hình liên kết phù hợp và hiệu quả, cần được nhân rộng.
Điều cũng cần nhắc ở đây, nông dân lâu nay sản xuất theo kiểu manh mún, sản xuất chạy theo phong trào; các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản không gắn với đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, nên dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán. Vì vậy, cần có cơ chế quản lý, ràng buộc trách nhiệm giữa những doanh nghiệp xuất khẩu với người sản xuất; nhất là khuyến khích việc đầu tư chế biến để đa dạng hoá và nâng cao chất lượng nông sản nước ta. Với nông dân cũng cần chuyển đổi nhận thức theo hướng làm ăn lớn, đầu tư bài bản, khoa học để đáp ứng các yêu cầu khắt khe của các thị trường cao cấp.
Trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, nhất là việc nước ta đã và đang và sẽ tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nếu khai thác tốt các thị trường mới gắn với việc nâng cao giá trị hàng nông sản nói chung, lúa gạo nói riêng Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội để mở rộng thị trường và nông dân có thể làm giàu từ sản xuất nông nghiệp.
Hoàng Giang